Hàng loạt tồn tại của nền kinh tế được điểm danh
Kinh tế 4 tháng năm 2017 đã có nhiều cải thiện | |
Kỳ họp thứ 3 sẽ hoàn thiện pháp luật về kinh tế thị trường định hướng XHCN |
Tăng trưởng GDP tăng nhưng chưa chắc chắn
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, đến nay kết quả đánh giá lại cho thấy không có sự thay đổi nhiều so với số liệu Chính phủ đã báo cáo. Trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có 11 chỉ tiêu đạt và vượt, có 2 chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh |
Ủy ban Kinh tế đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần phân tích, đánh giá cụ thể hơn về việc tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 chỉ đạt 6,21% thấp hơn so với kế hoạch đề ra, thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 ước đạt 6,3-6,5% và cũng thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015. Nguyên nhân khiến cho tốc độ tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch đề ra, đó là: sản xuất công nghiệp thấp hơn 2 năm trở lại đây và các yếu tố về môi trường cũng là nguyên nhân khiến cho tăng trưởng GDP không đạt chỉ tiêu. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa và mang tính căn bản khiến cho GDP đạt thấp là do cơ cấu kinh tế chưa có chuyển biến mạnh, thiếu liên kết và thực lực doanh nghiệp trong nước yếu, chưa đủ sức cạnh tranh.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, nền kinh tế vẫn bộc lộ một số khó khăn, thách thức, có thể ảnh hưởng đến đầu tư, thương mại, tỷ giá, lạm phát, nợ công... Tăng trưởng chưa thực sự bền vững, tăng trưởng của quý I/2017 ước tính chỉ đạt 5,1%, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây chủ yếu là do khu vực công nghiệp – xây dựng giảm so với cùng kỳ. Trong khi đó các nhóm ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, khai khoáng, điện tử, máy tính, xây dựng đều sụt giảm, thậm chí giảm sâu so với cùng kỳ và tổng cầu gặp khó khăn.
“Tăng trưởng quý 1/2017 ở mức thấp có nguyên nhân từ việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào các ngành khai khoáng, chưa tìm được động lực mới thay cho công nghiệp khai khoáng và chưa tận dụng khai thác được thị trường nội địa. Chính phủ cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động như thế nào đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách... Bên cạnh đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.
Ông Thanh cho rằng, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7%, nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%. Vì vậy, Chính phủ cần phải thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn, nhưng kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh thay đổi chất lượng tăng trưởng, bảo đảm bền vững.
Về tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, theo Ủy ban Kinh tế, trong 4 tháng đầu năm tăng 15,4% so với cùng kỳ và dự báo cả năm sẽ đạt chỉ tiêu tăng khoảng 6-7%. Tuy nhiên, tốc độ nhập khẩu 4 tháng tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng rất cao so với các năm gần đây. Có ý kiến lo ngại con số nhập siêu quá cao, chiếm đến 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao, vì vậy, thời gian từ nay đến cuối năm cần phải xem xét kỹ những tác động đến tỷ lệ nhập siêu để có hướng điều chỉnh linh hoạt, không gây ảnh hưởng đến mức nhập siêu theo Nghị quyết của Quốc hội.
Có ý kiến cho rằng cơ cấu xuất khẩu hiện phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI và mặc dù Việt Nam đang có lợi thế so sánh tốt hơn nhiều nước ở khu vực ASEAN và Trung Quốc trong quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế, nhưng chưa có giải pháp căn cơ để tận dụng các cơ hội thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn. Các ý kiến này đề nghị Chính phủ cần có giải pháp về sản xuất, tiêu thụ và xây dựng chiến lược xuất khẩu đối với các mặt hàng nông sản, chăn nuôi để tránh ảnh hưởng tiêu cực tới các hộ chăn nuôi, sản xuất trong nước như thời gian vừa qua...
Thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao
Ủy Ban Kinh tế cũng cho biết, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm 2017 đã tăng 4,8% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức bình quân 4,96% của quý 1/2017. Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ lo ngại lạm phát năm 2017 có thể diễn biến phức tạp và sẽ cao hơn chỉ tiêu lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội do chịu áp lực từ 3 yếu tố: sự tăng giá hàng hóa thế giới; áp lực tỷ giá và điều chỉnh giá dịch vụ công (điện, y tế, giáo dục) và tiền lương theo lộ trình.
Về tăng trưởng tín dụng, 4 tháng đầu năm tăng 5,76% so với cuối năm 2016, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần phân tích về khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh, đồng thời cần tiếp tục tăng cường kiểm soát rủi ro trong cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, nhất là thị trường bất động sản phân khúc cao cấp để giảm thiểu nguy cơ về “bong bóng bất động sản” như thời gian trước đây.
Đặc biệt, theo ông Thanh, thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao tiếp tục gây sức ép trả nợ và tạo rủi ro đối với phát triển bền vững của nền kinh tế. Chi đầu tư phát triển từ ngân sách trong 4 tháng đạt mức thấp (19,2%), gây áp lực giải ngân vào những tháng cuối năm. Đặc biệt tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục. Có ý kiến cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội do dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 khó đạt 6,7% trong khi thực hiện chi chuyển nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016 sang năm 2017 và vốn vay ODA thực tế cao hơn so với dự toán.
Nhiều tồn tại nữa cũng được nêu ra như các DNNN chưa nghiêm túc thực hiện quy định và công bố thông tin của doanh nghiệp; Công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DNNN hiệu quả thấp do sự thiếu kiên quyết thực hiện của người đứng đầu doanh nghiệp và tâm lý chờ đợi các cơ quan có thẩm quyền thống nhất chủ trương thành lập cơ quan đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Nợ xấu còn cao, chưa được xử lý triệt để còn là gánh nặng của nền kinh tế, kìm hãm việc giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng; Dư nợ thuế tuy đã được cải thiện, nhưng còn ở mức cao và chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, nhất là chống chuyển giá tại các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI.
Mawjc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 4 tháng đạt mức cao, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ (chiếm tỷ lệ 95%-96%), quy mô doanh nghiệp đang có xu hướng nhỏ dần... Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng rất lớn.
Cũng theo người đứng đầu Ủy ban Kinh tế, mặc dù thu hút vốn FDI trong 4 tháng tăng cao với tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 10,58 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016; nhưng chiến lược thu hút FDI cũng bộc lộ những vấn đề bất cập, đó là các doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi nhưng không khai thác được lợi thế của những doanh nghiệp này, việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế nhất là đối với hình thức 100% FDI và có thể chứa đựng những rủi ro nếu tiếp nhận các công nghệ cũ do các nước dịch chuyển lên trình độ công nghệ mới.
Điều đó dẫn đến tăng trưởng kinh tế hiện nay phụ thuộc nhiều vào ngoại lực, có tính tập trung cao tại một số tập đoàn đa quốc gia lớn chứa đựng bất ổn và không bảo đảm tính bền vững...