Hàng Thái Lan tràn ngập thị trường Việt
Lo trước sự đổ bộ của hàng Thái | |
DN Thái “đổ bộ” thị trường Việt | |
Các “ông lớn” Thái Lan mở rộng ảnh hưởng |
Thống kê từ Bộ Thương mại Thái Lan cho thấy, trong năm 2014, giao thương giữa Thái Lan và Việt Nam đạt 11.62 tỷ USD, tăng so với con số 10,4 tỷ USD của năm 2013. Gần đây, Việt Nam là thị trường nhập khẩu lớn thứ 11 của Thái Lan, trong đó hàng hóa Thái Lan chiếm 20.40% trong tổng thị trường hàng nhập khẩu tại Việt Nam.
Mới đây, thông tin về việc hệ thống siêu thị Big C nhiều khả năng sẽ chuyển qua tay chủ Thái Lan lại khiến cho các nhà bán lẻ và DN sản xuất trong nước không khỏi lo lắng. Bởi lẽ, nếu điều này xảy ra, áp lực cạnh tranh ngành bán lẻ cũng như việc đưa hàng hóa vào kênh siêu thị sẽ ngày càng khó khăn hơn (do trước đó các DN Thái Lan đã mua Nguyễn Kim, Metro...).
Theo ông Võ Hoàng Anh - Giám đốc Marketing Saigon Co.op, áp lực cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ sẽ ngày càng tăng trong thời gian tới. Bởi lẽ, giả sử việc DN Thái Lan mua lại Big C là thật, thì có nghĩa là người Thái sẽ “chiếm” thêm thị phần phân phối, gây áp lực cạnh tranh của hàng hóa Thái Lan lên hàng Việt.
“Các DN ngành bán lẻ của một quốc gia (Thái Lan) tập trung chi phối một thị trường (như Việt Nam), sẽ tạo áp lực cạnh tranh với nhà bán lẻ của Việt Nam hơn, so với sự phân tán lực lượng của các nhà bán lẻ phương Tây”.
Đứng ở góc độ DN sản xuất, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của các nhà bán lẻ, DN sản xuất Việt Nam sẽ đối diện với nhiều thử thách mới, gian nan bội phần vì hàng hóa của DN muốn vào mạng phân phối ngoại, là phải tùy thuộc kết quả đàm phán với nhà bán lẻ ngoại, chứ không còn “tình cảm” như với nhà bán lẻ nội nữa.
“Cái quan trọng nhất với DN là họ phải đổi mới chính mình”. “Hệ thống Co.opmart lâu nay vẫn có phần ưu tiên cho hàng hóa của DN sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trước áp lực cạnh tranh, sự ưu tiên này có thể sẽ giảm bớt bởi không thể “bảo hộ” cho hàng hóa trong nước trên quầy kệ siêu thị nếu như chất lượng và giá cả không cạnh tranh bằng hàng nhập ngoại, như hàng hóa từ Thái Lan, ông Võ Hoàng Anh cho biết thêm.
Thực tế cho thấy, hàng Thái Lan đang có mặt ở thị trường Việt Nam không chỉ ở các siêu thị, mà bắt đầu len lỏi khắp thị trường trong nước. Tại các chợ truyền thống, tiệm tạp hóa, cửa hàng tiện ích... hàng Thái xuất hiện hầu như không thiếu sản phẩm gì, từ hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ điện tử. Sân nhà của hàng Việt đang dần bị chiếm lĩnh bởi hàng Thái khi Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) vừa chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2015.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính khiến sản phẩm Thái Lan ngày càng len lỏi sâu vào thị trường Việt Nam là do mức thuế xuất khẩu hấp dẫn 0% với hơn 95% chủng loại hàng hóa và sự lưu thông dễ dàng giữa hai nước nhờ quy định miễn thị thực được áp dụng 15 năm qua, khiến thương nhân hai nước có thể dễ dàng gặp nhau trao đổi, hợp tác phân phối.
Thực tế nêu trên cho thấy, hàng hóa Thái Lan chắc chắn sẽ tăng mạnh tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới, chứ không dừng lại ở tỷ lệ 5% (ở kênh siêu thị), theo như thống kê được công bố mới đây của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh.