Nỗi lo hàng Việt mất chỗ đứng
Hàng nội lép vế ở thị trường nội | |
Nhiều DN Thái Lan muốn đầu tư vào Việt Nam | |
Hàng Thái Lan tràn ngập thị trường Việt |
Lo ngại ấy đã phần nào trở thành hiện thực khi mới đây, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phải có công văn gửi ban lãnh đạo hệ thống siêu thị Big C đề nghị không tăng thêm chiết khấu cho DN trong năm 2016, vì mức chiết khấu tăng cao gây nhiều khó khăn cho DN. Cụ thể, với chiết khấu mới áp dụng tăng thêm 4,5-5,5%, lên mức 17-25% là quá cao cho các DN.
Hàng Thái có mặt từ chợ, cửa hàng bán lẻ đến siêu thị |
Cũng theo VASEP, thời gian gần đây một số siêu thị đổi chủ thông qua các thương vụ sáp nhập lớn, đồng thời thay đổi luôn một số chính sách về chiết khấu đối với DN sản xuất hàng trong nước, làm chi phí tăng lên và một số DN hội viên của VASEP đã rút hàng khỏi kệ. Chiết khấu cao, cùng với việc nhà phân phối ép DN sản xuất hàng nhãn riêng khiến cho nhiều DN sản xuất trong nước điêu đứng khi muốn đưa hàng lên kệ.
Còn trước đó, hệ thống siêu thị Lotte đã bắt đầu tràn ngập hàng tiêu dùng của Hàn Quốc, rồi AEON phong phú hàng Nhật, Metro “ăm ắp” hàng Thái… Hàng nhập khẩu đang từng bước chiếm lĩnh những vị trí đẹp nhất trên kệ của các hệ thống siêu thị nói trên, thế chỗ cho hàng Việt.
Giám đốc một DN sản xuất hàng tiêu dùng thừa nhận, nếu người Thái chi phối hệ thống phân phối thì hàng Việt sẽ khó khăn bội phần. DN trong nước khó có thể cạnh tranh được với hàng Thái từ giá cả đến chất lượng sản phẩm...
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan đã tăng từ 6,3 tỷ USD năm 2011 lên 8,2 tỷ USD trong năm 2015. Trong đó, có nhiều mặt hàng tiêu dùng có tốc độ nhập khẩu tăng gấp rưỡi hoặc thậm chí là gấp đôi ở giai đoạn 2011 - 2015.
Đặc biệt, một số mặt hàng có tốc độ tăng nhập khẩu “chóng mặt” như rau quả tăng tới 7 lần, từ 31,2 triệu USD lên 206,4 triệu USD; giấy và sản phẩm giấy tăng trên 4 lần (từ 20,9 triệu USD lên 84 triệu USD). Tổng kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2016, theo Tổng cục Hải quan, đạt xấp xỉ 2,43 tỷ USD. Những con số ấy đã cho thấy sự hiện diện của hàng Thái Lan ngày càng được nhập khẩu nhiều hơn vào Việt Nam.
Nhiều DN sản xuất trong nước nhận xét, thị trường bán lẻ ngày càng sôi động với sự tham gia của các DN ngoại. Các tập đoàn từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... không chỉ mua lại các hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại lớn mà hàng loạt các cửa hàng tiện lợi mác ngoại cũng đang dần phủ sóng khắp nơi. Hàng ngoại theo chân các nhà bán lẻ nước ngoài đang lấn dần thị trường nội địa. Càng ở những ngành thu hút được người tiêu dùng quan tâm thì áp lực cạnh tranh càng lớn.
Còn theo một nhà nghiên cứu thì người Thái cũng như người Nhật rất biết tính toán khi chọn thời điểm để đầu tư vào hệ thống bán lẻ của Việt Nam. Trước đây, khi người tiêu dùng Việt còn chưa quen với việc mua sắm tại các siêu thị, các DN Việt đã phải đầu tư khá lớn để phát triển hệ thống siêu thị.
Còn nay, khi người tiêu dùng Việt vừa tạo lập được thói quen mua sắm hiện đại tại các siêu thị thì cũng là lúc các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành thâu tóm thị trường bán lẻ. Họ đã bỏ qua được bước đầu khó khăn nhất để giành lấy thói quen mua sắm mới, đổ vốn để nhanh chóng giành được thị trường bán lẻ vừa mới khai phá.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, DN Việt vẫn có nhiều cơ hội trước “cơn lốc” của hàng Thái đổ vào thị trường nội địa. Thay vì lo sợ, các DN trong nước nên chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm bởi người tiêu dùng Việt Nam vẫn có thói quen sử dụng các mặt hàng truyền thống. Nếu các DN nắm được cơ hội thì áp lực trước người Thái cũng không có gì căng thẳng.