Hành trang sơ sài với AEC
Cùng doanh nghiệp hội nhập AEC | |
AEC và cơ hội việc làm đối với nhân sự cấp trung người Việt | |
Nguy cơ “đảo chiều rút vốn” và cảnh báo xa |
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã đi qua tròn 1 năm với không nhiều dấu ấn đậm nét. Thậm chí khi sân chơi của khu vực được mở rộng hơn, sức bật của nền kinh tế trong nước dường như có phần đuối sức. Nếu coi AEC là hành trang ban đầu để bước lên con tàu hội nhập sâu rộng hơn như TPP hay EVFTA, thì những gì Việt Nam đã chuẩn bị được còn rất sơ sài.
Khả năng của DN Việt Nam khai thác thị trường ASEAN ngày càng giảm |
Đuối sức trong cuộc cạnh tranh
Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, giá trị xuất nhập khẩu và tổng thương mại hàng hoá của Việt Nam với khu vực ASEAN từ năm 1995 đến năm 2015 đã tăng lên hơn 10 lần, nhưng tỷ trọng thương mại của Việt Nam với ASEAN trong tổng giá trị thương mại với thế giới lại có xu hướng giảm ở cả xuất khẩu và nhập khẩu, đặc biệt từ năm 2006 tới nay. Xu hướng này do sự gia tăng tỷ trọng thương mại của Việt Nam với các đối tác ngoài khối theo hướng tăng xuất khẩu vào Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản; và tăng nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI cho biết, dù đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền cho DN về AEC để DN tận dụng được cơ hội từ khối này, nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Ngược lại, ngay trong năm 2016 này, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN tiếp tục giảm sút, tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước ASEAN cũng giảm so với năm 2015.
Kết thúc năm 2016, trong số các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thì Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc đều đạt mức tăng trưởng kim ngạch 2 con số, còn xuất khẩu sang thị trường ASEAN lại giảm 4,8%. Về thị trường hàng hóa nhập khẩu năm 2016, ASEAN là thị trường lớn thứ 3 sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Song trong khi kim ngạch nhập khẩu từ 2 thị trường trên vẫn đạt mức tăng trưởng, thì nhập khẩu từ ASEAN lại giảm 0,3%. Điều đáng lo ngại nhất là nhập siêu từ ASEAN trong năm 2016 là 6,3 tỷ USD, đã tăng 12,5% so với năm 2015.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Uỷ ban tư vấn chính sách thương mại quốc tế (VCCI) lý giải, về thương mại hàng hóa, AEC mở cửa thị trường rất rộng, rất nhanh. Diễn biến thực tế cho thấy nhập khẩu hàng hóa càng ngày càng tăng và bao giờ cũng cao hơn xuất khẩu, kéo theo đó là nhập siêu từ thị trường ASEAN ngày càng tăng.
Đây là dấu hiệu đáng lo và cho thấy khả năng của DN Việt Nam khai thác thị trường ASEAN ngày càng giảm. Trong khi đó, khả năng khai thác của DN ASEAN đối với thị trường Việt Nam lại đang tăng lên. “Trong thực tiễn chúng ta cũng thấy rất rõ hàng hóa của Malaysia, Thái Lan, Singapore đang cạnh tranh gay gắt trên thị trường Việt Nam”, ông Huỳnh nhấn mạnh.
Cơ hội tăng, tận dụng lại kém đi
Ông Hoàng Văn Phương, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cũng lo ngại, đà xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN đang có xu hướng giảm dần, nhất là trong giai đoạn từ 2014-2016. Trong đó các mặt hàng như dầu thô, sắt thép… giảm mạnh nhất, kéo theo kim ngạch xuất khẩu cũng giảm theo.
Kết quả này càng thêm đáng lo bởi ASEAN được đánh giá là thị trường còn tương đối dễ tính, phù hợp với năng lực sản xuất của DN Việt Nam. Hơn thế nữa, đây còn là thị trường “vừa gần nhà lại gần ngõ”, càng là cơ hội tốt để hàng hoá trong nước dễ dàng thâm nhập.
Cơ hội nhiều như vậy, song thực tế đã chứng minh khả năng tận dụng của DN Việt Nam còn kém. Hiện nay đã có trên 97% dòng thuế vào ASEAN được miễn, tuy nhiên các DN trong nước lại chưa khai thác được bao nhiêu trong số lượng lớn các dòng thuế ưu đãi tuyệt đối này.
Điều này đã được bà Bùi Kim Thùy, Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương chứng minh khi đánh giá về khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) trong AEC.
Bà Thuỳ cho biết, trong 11 tháng năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN là 15,7 tỷ USD, trong số này có 5 tỷ USD là kim ngạch xuất khẩu được tận dụng ưu đãi của ATIGA, tương đương khoảng 31,8%. Con số này tuy có cao hơn so với tỷ lệ 24,2% của năm 2015, song vẫn là mức thấp nhất so với các FTA khác mà Việt Nam đã ký.
Như vậy, cánh cửa thuế quan đã mở rất rộng, nhưng chúng ta lại khai thác chưa được tốt. Chưa kể đến kim ngạch xuất khẩu theo thời gian cũng giảm sút, khiến việc xuất khẩu hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan giảm dần. Nguyên nhân được xác định là do các cam kết về quy tắc xuất xứ quá khó khăn và phần lớn DN hiện nay chưa đủ thực lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu trong khu vực.
Đại diện tiếng nói của các DN, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam xác nhận, khó khăn lớn nhất của các DN logistics hiện nay là việc thành lập các hiện diện thương mại tại các nước ASEAN và chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được với yêu cầu của nhiều nước phát triển trong khu vực do hạn chế về công nghệ thông tin; về trình độ quản lý và chất lượng nguồn nhân lực. Vì thế DN khó tận dụng AEC cùng các cơ hội kèm theo để phát triển.
Cũng theo các chuyên gia, sự nhìn nhận và tận dụng các cơ hội từ AEC hiện mới tập trung chủ yếu ở việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Song ngoài thương mại hàng hóa, các cơ hội từ AEC còn cần được nhìn ở góc độ rộng lớn hơn như về sản xuất tiêu dùng, dịch vụ, đầu tư, du lịch, giáo dục… Ở góc độ này, rõ ràng khả năng tận dụng cơ hội của DN trong nước vẫn lại càng hạn chế.