Hạt điều Việt xuất khẩu: Nhiều nhưng chưa mạnh
Nghịch cảnh hạt điều | |
Điều được giá, người trồng phấn khởi |
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong 12 năm qua, Việt Nam là nước chế biến, xuất khẩu hạt điều đứng đầu thế giới. Riêng năm 2016, ngành điều đã xuất khẩu 347.000 tấn điều nhân, đạt kim ngạch 2,84 tỷ USD, chế biến trên 50% sản lượng điều của thế giới; Mức tăng trưởng sản lượng xuất khẩu đạt 12,2%. Ngành điều đem lại giá trị kinh tế lớn và góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu nông dân và công nhân.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, qua từng năm, ngành điều vẫn đối mặt với nhiều thách thức như giảm diện tích đất trồng, tái canh chậm, chế biến xuất khẩu phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Theo Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích đất trồng cây điều của Việt Nam liên tục giảm bình quân 10.000 ha/năm. Diện tích điều già cỗi cần tái canh chiếm khoảng 80.000 ha ở các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Năng suất điều hạt bị biến động liên tục và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, khí hậu. Nếu vào năm 2013, năng suất điều duy trì ở mức khoảng 10 tạ/ha, thì đến năm 2016 và do dịch bệnh năm 2017, năng suất điều giảm còn 7,55 tạ/ha.
Không chỉ vậy, sản xuất điều trên cả nước còn trong tình trạng phân tán, trình độ thâm canh chưa cao. Diện tích điều tập trung chỉ chiếm 61,7%, diện tích trồng phân tán chiếm 38,3%. Việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc cây điều vẫn theo lối cũ, dẫn đến năng suất thấp, không ổn định.
Trong ba năm trở lại đây (2015 đến nay) ngành điều còn chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như hạn hán, mưa trái mùa, rồi sâu bệnh… khiến năm 2016 sản lượng điều giảm 16,67% (so với 2015) và năm 2017 giảm 31,36% (so với 2016).
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịchVinacas cho biết đến năm 2017, Việt Nam đã 12 năm liên tiếp đứng đầu ngành điều thế giới, với kim ngạch xuất khẩu hạt điều nhân cả năm dự kiến sẽ đạt trên 3,5 tỷ USD, đây là kỷ lục mới của ngành điều. Tuy vậy, ngành vẫn luôn gặp khó khăn do phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu điều thô để chế biến hàng xuất khẩu.
Nếu kim ngạch xuất khẩu dự kiến là 3,5 tỷ USD trong năm 2017, thì nhập khẩu nguyên liệu (hạt điều thô) đã lên đến gần 2,4 tỷ USD trong 11 tháng của năm. Việc nhập khẩu điều thô từ các nước châu Phi cũng gặp rất nhiều rủi ro về chất lượng và giá cả.
Hiện nay, cả nước có 345 DN xuất khẩu điều, trong đó số lượng DN đạt kim ngạch xuất khẩu dưới 5 triệu USD/năm chiếm đến 73%. Số lượng DNNVV nhiều, lại có sự cạnh tranh không lành mạnh, nên chất lượng không đồng đều, làm thiệt hại chung cho cả ngành.
Ngoài ra, mặc dù là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, Việt Nam chỉ tham gia vào khâu chế biến sơ, tương đương 18% chuỗi giá trị điều. Phần lợi nhuận lớn nhất vẫn nằm ở khâu chế biến rang muối và phân phối với tổng giá trị gần 60% thì DN Việt chưa mạnh.
Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thì đến năm 2020, ngành điều ổn định diện tích khoảng 400 ngàn ha ở các vùng chính là Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ, với sản lượng đạt 450 nghìn tấn/năm.
Song song đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chính sách ưu đãi đầu tư về kỹ thuật trồng mới, tái canh cây điều bằng việc áp dụng đồng bộ khoa học và công nghệ tiên tiến để tăng năng suất từ 30% - 40% so với hiện nay, góp phần đưa ngành điều giữ vững vị trí là ngành hàng xuất khẩu chủ lực.
Theo Vinacas, trước mắt từ năm 2018, để giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu điều thô nhập khẩu từ châu Phi, hiện các DN chế biến, xuất khẩu điều Việt Nam đang chuyển hướng nhập khẩu điều thô từ Campuchia và đầu tư xây dựng vùng trồng điều tập trung tại đây (do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây điều).
Vinacas đã làm việc với Bộ Nông lâm Ngư nghiệp Campuchia về kế hoạch phát triển ngành điều. Và Việt Nam sẽ hợp tác giúp quốc gia này phát triển ngành điều với sản lượng lên 1 triệu tấn/năm. Trong năm 2017 DN Việt Nam đã thu mua trên 100 nghìn tấn hạt điều từ Campuchia.