Hỗ trợ tối đa hàng hóa xuất khẩu
Nâng cao năng lực xuất khẩu | |
Hệ thống phân phối tốt tạo đà xuất khẩu |
Gom hàng để “xuất khẩu tại chỗ”
Ông Phạm Thiết Hoà, Giám đốc ITPC cho rằng, muốn đẩy mạnh xuất khẩu trước tiên phải làm chủ được thị trường nội địa và đi vào kênh phân phối hiện đại một cách hiệu quả. TP. HCM có nhiều tập đoàn bán lẻ đa quốc gia, nhà đầu nước ngoài, nếu hàng hoá Việt Nam vào được hệ thống các siêu thị của các tập đoàn lớn như AEON, Lotte Mart, Big C... sẽ đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu thị trường nước ngoài.
Rất cần sự hỗ trợ để đưa hàng vào kênh phân phối nước ngoài tại Việt Nam |
Bản thân ITPC cũng cố gắng làm tốt vai trò đầu mối kết nối và hướng dẫn DN đáp ứng những yêu cầu của các hệ thống bán lẻ của các tập đoàn đa quốc gia, các nhà bán lẻ nước ngoài. Trên cơ sở này, ITPC từng bước tạo điều kiện cho DN nắm bắt cơ hội xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài thông qua chuỗi siêu thị. Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác giữa các nhà phân phối với đơn vị sản xuất đạt tiêu chuẩn, an toàn, đưa sản phẩm xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với người tiêu dùng.
Trong thời gian qua, nhiều siêu thị ngoại cần lượng hàng lớn, nhưng DN đáp ứng không đủ và cơ hội đưa hàng vào siêu thị trôi qua. Chính vì vậy, khi đó, ITPC sẽ kết nối với các DN cũng sản xuất mặt hàng và đạt tiêu chuẩn hợp quy để hoàn thành đơn hàng. Như vậy, hàng hóa của DN có thể đường hoàng vào siêu thị ngoại, là hình thức xuất khẩu “tại chỗ”. Từ đây, hàng hóa có thể dễ dàng xuất sang Nhật, Hàn Quốc… và thậm chí là các nước có hệ thống của Lotte, E Mart, AEON…
Theo nhận định của các chuyên gia, DN và các đơn vị sản xuất kinh doanh nội địa cần liên kết để đảm bảo số lượng và chất lượng, cũng như giữ vững thị trường nội địa; đồng thời, chiếm lĩnh thị phần tại các kênh phân phối hiện đại. Đây là bước tiếp cận đầu tiên để quảng bá, giới thiệu hàng hoá Việt Nam ra thị trường nước ngoài qua hệ thống siêu thị của các tập đoàn đa quốc gia, nhà bán lẻ ngoại tại Việt Nam.
Sắp tới, sẽ diễn ra chương trình kết nối trực tiếp với AEON – Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản, dự kiến tổ chức vào tháng 10/2017 tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của các DN để giới thiệu sản phẩm của mình. Sau đó sẽ có tuần lễ giới thiệu sản phẩm đạt chuẩn giới thiệu với người tiêu dùng tại siêu thị AEON quận Tân Phú.
Hướng đến ASEAN và Đông Bắc Á
Phải nhìn nhận khách quan rằng, từ trước đến nay nói tới xuất khẩu, các DN thường chú ý đến những thị trường xa như châu Âu, Mỹ nhưng đã quên thị trường xuất khẩu tiềm năng là các nước khu vực ASEAN. Câu lạc bộ DN xuất khẩu đã có 60 cuộc kết nối giữa các DN tại Lào. Sản phẩm của DN Việt Nam chất lượng khá tốt khiến các đối tác ở Lào rất hài lòng. Sản phẩm trứng của công ty Ba Huân đã “cháy hàng” trong những dịp này.
Các DN Lào cho rằng, chất lượng trứng của công ty không thua kém sản phẩm của Nhật, Hàn Quốc… “Sản phẩm cá ba sa của Việt Nam ở Thái Lan rất đắt hàng, dù Thái Lan cũng cùng dòng sông Mê Kông và cũng có cá ba sa”, ông Phạm Thiết Hòa chia sẻ.
Trong xuất khẩu, bao bì đóng một vai trò rất quan trọng. Đơn cử, ở thị trường Campuchia, sản phẩm của Thái Lan có ghi chữ Campuchia nên rất được ưa chuộng và đón nhận ở những vùng sâu, vùng xa của quốc gia này. Trong khi đó, sản phẩm cùng loại của Việt Nam có chất lượng hơn hẳn nhưng không tiếp cận được vì để tiếng Anh, tiếng Việt. Các DN phải chú ý đến điều này. Nếu như các nước Phương Tây, Bắc Mỹ chuộng những màu sắc đơn giản nhẹ nhàng, thì những quốc gia như Lào, Campuchia lại ưa những màu sắc nổi bật như màu vàng…
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ giao lưu doanh nhân, DN Việt - Nhật cho biết, DN Nhật Bản rất muốn mở rộng đầu tư, hợp tác tại Việt Nam ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, là các lĩnh vực rau củ quả, nông sản, thực phẩm ăn liền... Các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đánh giá cao nỗ lực cải tiến sản phẩm, nên muốn đầu tư và góp phần thúc đẩy các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm Việt Nam.
Trong đó, có AEON là tập đoàn bán lẻ lớn. Nếu đưa hàng hoá vào tập đoàn này thì hàng hoá Việt Nam phải được bảo chứng về tiêu chuẩn chất lượng. Từ Tập đoàn AEON, hàng hoá Việt Nam có thể sẽ thâm nhập thành công vào thị trường Nhật Bản và dễ dàng đến được các thị trường khó tính khác. Đồng thời, hàng hoá Việt Nam sẽ được xuất khẩu và bán lẻ trực tiếp tại các kênh phân phối hiện đại, không phải qua nhiều khâu trung gian, nâng cao được năng lực cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tế.
Lãnh đạo ITPC cho biết, vừa ký kết với Tập đoàn
E Mart của Hàn Quốc để có thể phân phối hàng hóa của DN trong nước vào hệ thống siêu thị này ở trên 150 quốc gia. Hiện nay, từ các DN chào hàng đến các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đều thiếu thông tin, không biết thủ tục, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng... dẫn đến hàng hoá không vào các kênh phân phối hiện đại.
Do đó, rất cần sự hỗ trợ để đưa hàng vào kênh phân phối nước ngoài tại Việt Nam. Đây là yếu tố quan trọng để bảo chứng cho chất lượng và tiêu chuẩn hàng hoá của DN, qua đó có thể theo hệ thống phân phối nước ngoài ra thị trường quốc tế.