HSBC: Cẩn trọng trước khả năng lạm phát cao hơn
Ngân hàng theo sát chuyển động của nền kinh tế | |
Tăng trưởng hao mòn vì thiếu cạnh tranh | |
Cải cách để bứt phá trong cách mạng công nghiệp 4.0 |
Khối Nghiên cứu Kinh tế của ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam tháng 12, trong đó nhận định, cụm từ "tăng trưởng cao, lạm phát thấp" mà mọi người thường dùng để nói về kinh tế toàn cầu năm 2017 có thể sẽ chuyển thành "tăng trưởng ổn định, lạm phát cao hơn" ở Việt Nam.
HSBC dự báo lạm phát sẽ ở mức khoảng 3,7% năm 2018 - cao hơn mức 3,5% mà tổ chức này dự báo cho năm nay. Lý do được đưa ra là bởi trong khi chi phí y tế tăng vẫn là động lực chính của lạm phát thì giá dầu và lương thực cao hơn sẽ khiến lạm phát cao hơn. Giá lương thực đạt đỉnh điểm vào năm 2016 do hạn hán đã giảm trong năm nay. Nhưng với các tác động cơ bản giảm dần vào cuối năm, HSBC cho rằng giá lương thực sẽ tăng dần vào năm 2018, đạt đỉnh vào khoảng cuối quý II, đầu quý III.
Giá dầu cũng có thể theo một quỹ đạo tương tự, qua đó có thể kéo lạm phát lên mức mục tiêu 4% vào giữa năm. Trong trường hợp lạm phát tăng như vậy, thì nguy cơ là NHNN có thể phải tăng lãi suất, trong bối cảnh vẫn phải hỗ trợ tăng trưởng GDP ở mức mục tiêu 6,5% - 6,7%.
Điều này có nghĩa là NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách theo hướng thận trọng, tránh nới lỏng không cần thiết để vừa tránh lạm phát và tăng trưởng tín dụng tăng cao trong khi cũng không thắt chặt quá nhằm tránh sự suy giảm của nền kinh tế.
Các chuyên gia HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế 2018 có thể đạt khoảng 6,4%, giảm nhẹ so với mức dự báo 6,6% cho năm nay. Sự tăng trưởng ổn định và triển vọng lạm phát vẫn ở mức thấp hàm nghĩa là NHNN sẽ giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 6,25%, nhưng có khả năng thắt chặt lên mức 6,50% nếu lạm phát vượt quá mục tiêu 4% đặt ra.
Năm 2017 là một năm đáng chú ý trên mặt trận thương mại với mức tăng trưởng xuất khẩu danh nghĩa trung bình trên 21% mỗi tháng cho đến hiện nay, tăng gấp đôi so với mức trung bình năm 2016. Tuy nhiên, đang có dấu hiệu hạ nhiệt vào cuối năm.
Tăng trưởng xuất khẩu tháng 11 vừa qua đã yếu hơn sau ba tháng cải thiện trước đó. Cùng với đó là Chỉ số PMI đã tăng với tốc độ chậm hơn trong hai tháng liên tục, trong khi đơn hàng xuất khẩu mới cũng giảm. Với xu hướng này, HSBC dự báo xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam sẽ vẫn mạnh mẽ trong năm 2018, nhưng sẽ chậm lại một chút từ mức cao của năm nay.
Báo cáo lần này cũng lưu ý với các cam kết trong các FTA, nhiều dòng thuế quan 0% đang đến gần, trong đó bao gồm cả loại bỏ thuế cho các "hàng hoá nhạy cảm" như ô tô và phụ tùng, dầu thực vật, tủ lạnh, các sản phẩm từ sữa…
Bộ Tài chính gần đây lưu ý rằng, các khoản hụt thu cho ngân sách do hiệu lực của các FTA trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020 có thể lần lượt là 30,2 nghìn tỷ đồng (năm 2018); 36,3 nghìn tỷ đồng (năm 2019) và 44 nghìn tỷ đồng (năm 2020), tức chiếm khoảng 2-3% thu ngân sách.
“Nhưng chúng tôi không nghĩ Chính phủ Việt Nam sẽ vượt mức trần nợ công 65% GDP đã đặt ra, trong bối cảnh nhìn nhận của chúng tôi về triển vọng tăng trưởng kinh tế là ổn định và nỗ lực của Chính phủ để giảm thâm hụt ngân sách”, báo cáo nhìn nhận.