Hút vốn ngoại vào khu công nghiệp
Chậm chạp đầu tư hạ tầng KCN | |
Vốn ngoại thúc hạ tầng công nghiệp |
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 10/2016, Hà Nội đứng thứ hai trong các địa phương hút vốn FDI lớn nhất, với trên 2 tỷ USD vốn đăng ký, chỉ sau Hải Phòng. Còn tính tổng vốn các dự án còn hoạt động cho đến thời điểm này, vị trí của Hà Nội cũng là thứ hai, sau TP. Hồ Chí Minh.
Xu hướng đầu tư của các DN FDI vào KCN đang tăng lên |
Việc các DN FDI quan tâm đầu tư vào Hà Nội cho thấy môi trường đầu tư của thành phố khá cạnh tranh. Điểm nổi bật trong đó là những thuận lợi nếu nhà đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN). Đến nay, Hà Nội đã và đang phát triển 19 KCN, khu công nghệ cao với tổng diện tích gần 4.121,2 ha.
Trong đó có 8 KCN được thành lập và đi vào hoạt động với diện tích quy hoạch gần 1.231 ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 952,5 ha, đã lấp đầy trên 90%. Ngoài ra, có 7 KCN đã có quyết định thành lập đang trong giai đoạn triển khai chuẩn bị đầu tư và xây dựng với tổng diện tích 1140,7ha.
Các KCN đều được quy hoạch theo hướng tập trung cho sản xuất chuyên ngành sâu, nhằm thu hút công nghệ cao vào hoạt động; xây dựng các khu kinh tế, khoa học kỹ thuật chất lượng cao và hiện đại, chuyên nghiên cứu, giáo dục, phát triển, ứng dụng, sản xuất thực nghiệm và chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới vào Việt Nam. Hiện số lượng các DN FDI đầu tư vào các KCN tại Hà Nội đang tăng lên, trong đó đáng chú ý là xu hướng đầu tư vào các KCN Quang Minh I, KCN Bắc Thăng Long...
Tính đến hết năm 2015, các KCN, khu chế xuất của Hà Nội đã thu hút được 607 dự án, trong đó có 316 dự án nước ngoài, vốn đăng ký hơn 4,9 tỷ USD. Một số dự án lớn đã được cấp phép như Dự án Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Samsung (300 triệu USD), Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống (227 triệu USD)…
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, TP. Hà Nội sẽ có 33 KCN, khu công nghệ cao với diện tích khoảng 6.693 ha. Do đó, để thu hút hơn nữa các DN FDI vào các KCN, thành phố cần có nhiều giải pháp đột phá.
Song song với việc mở rộng và phát triển các KCN, thời gian qua thành phố đã tích cực tìm các giải pháp nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư FDI cũng như các chính sách về vốn, lãi suất, thuế nhằm thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài vào Hà Nội. Đồng thời tích cực thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại cũng như xúc tiến đầu tư vào các KCN nhằm tìm kiếm các đối tác thuộc các lĩnh vực công nghệ cao vào đầu tư tại Hà Nội.
Tuy nhiên theo ông Trần Ngọc Nam, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, dù được đánh giá là điểm thu hút đầu tư nước ngoài hấp dẫn, đặc biệt là vào các khu công nghiệp, nhưng làm thế nào để giữ vững được vị thế và tiếp tục thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn này đang là vấn đề đặt ra.
Trên thực tế, hiện các DN FDI đầu tư tại các KCN của Hà Nội chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp và rất ít DN trong các ngành sử dụng công nghệ cao. Vì vậy, theo ông Nam, thành phố cần có nhiều chính sách, cơ chế thông thoáng cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho DN FDI các ngành công nghệ cao vào đầu tư.
Theo đó, ông Nam cho biết, trong năm 2017 Hà Nội sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI... Một số nhiệm vụ trọng tâm là tạo ra cải cách, chuyển biến ở các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, giấy phép đầu tư... nhằm đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vào các KCN.