Khách ngoại vẫn chưa nhập cuộc
Hết tháng ngâu, đua “bung” hàng | |
Nhộn nhịp cung - cầu thị trường nhà ở | |
Thúc đẩy minh bạch thị trường BĐS |
Nhiều dự án của chủ đầu tư Phú Mỹ Hưng như Scenic Valley, Sky Garden, Happy Valley, The Panorama... luôn được đánh giá là có tỷ lệ thu hút lượng khách hàng nước ngoài nhiều hơn hẳn so với các dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư khác. Mới đây nhất giữa tháng 9/2016, dự án RiverPark Primier cũng của chủ đầu tư này sau khi chào bán đợt 2 đã thu về tỷ lệ 98% tỷ lệ giao dịch thành công. Trong đó, mãi lực đến từ lượng khách nước ngoài đạt 24%.
Sở dĩ, những dự án của Phú Mỹ Hưng luôn có được sự quan tâm của khách hàng ngoại không chỉ bởi chất lượng công trình, thiết kế phù hợp với gu thẩm mỹ của họ, tiện ích công cộng xung quanh, môi trường sống, mà còn bởi quần thể, cộng đồng người nước ngoài đến định cư, sinh sống tại khu vực này từ khá sớm, ngay khi buổi đầu khu đô thị Phú Mỹ Hưng mới hình thành.
Theo đại diện chủ đầu tư Phú Mỹ Hưng cho biết, phần lớn khách hàng nước ngoài mua căn hộ Phú Mỹ Hưng là các chuyên gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Anh, Mỹ, Đức... Trong những năm làm việc tại Việt Nam, họ mang theo cả gia đình, thậm chí hai ba thế hệ cùng sống lâu dài ngay trong khu chung cư.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, Phú Mỹ Hưng có thể coi là một “đốm sáng nhỏ nhoi”, khảo sát tại nhiều dự án khác tại quận 7, quận 2, quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh... thấy tỷ lệ khách hàng nước ngoài sở hữu căn hộ chung cư tại Việt Nam chưa nhiều.
Thậm chí, ngay đối với những dự án của nhiều chủ đầu tư uy tín khác như VinGrourp với Vinhomes Golden River, Sunrise City của Novaland, Sala do Đại Quang Minh phát triển, Hưng Thịnh, Khang Điền... nổi đình nổi đám thời gian qua, nhưng tỷ lệ khách hàng đến hỏi mua và tiến tới giao dịch thành công không nhiều, trung bình chỉ 5 – 7%.
Theo nhận định của ông Marc Towsend, Giám đốc điều hành CBRE, không phải người nước ngoài không quan tâm đến BĐS Việt Nam, hay những dự án của các chủ đầu tư đang triển khai thiếu hấp dẫn mà bởi lý do là phần lớn người nước ngoài sang Việt Nam làm việc, sinh sống trong khoảng thời gian nhất định, sau đó về nước nên thường không có ý định mua nhà đất định cư lâu dài. Trong khi để sở hữu BĐS tại Việt Nam, ngoài việc giá cả không hề rẻ, thì thủ tục mua nhà đối với người nước ngoài hiện cũng chưa thực sự dễ dàng.
Bàn về vấn đề này, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho rằng, một trong những trở ngại chính mà người nước ngoài gặp phải khi có ý định mua BĐS tại Việt Nam chính là lo ngại về tính minh bạch, yếu tố pháp lý của dự án.
Phần lớn, nhiều mua bán nhà đất đều là những giao dịch hình thành trong tương lai, nên khi có vấn đề tranh chấp xảy ra, ngay cả khách hàng trong nước còn lúng túng trong việc xử lý bởi các quy định luật pháp lỏng lẻo, chứ chưa nói gì đến việc mua bán có yếu tố nước ngoài. Con số thống kê của JLL, kể từ khi luật cho phép người nước ngoài được sở hữu BĐS tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, con số này cũng mới khoảng 1.000 người.
Theo Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh, việc cho phép người nước ngoài sở hữu BĐS tại Việt Nam được hy vọng sẽ tạo đà thúc đẩy sức cầu đáng kể cho thị trường. Tuy nhiên, thực tế đến nay tỷ lệ khách hàng nước ngoài tìm mua, sở hữu căn hộ vẫn chưa thực sự đạt như mong đợi.
Nguyên nhân được cho chủ yếu đến từ tâm lý e ngại rào cản pháp lý, chính sách giải quyết tranh chấp khi gặp vướng mắc phát sinh, ngôn ngữ, thanh toán... giữa các bên tham gia. Bên cạnh đó, cách thức tiếp cận khách nước ngoài của một số chủ đầu tư dự án cũng cần có sự bài bản và phù hợp với nhu cầu, tâm lý, thị hiếu của họ để tạo thêm động lực và sức cầu cho thị trường BĐS thời gian tới.