Khi lợi suất và thanh khoản cao
Quảng Ninh, miền đất hứa của bất động sản nghỉ dưỡng | |
Cuộc đua BĐS nghỉ dưỡng: Nam Phú Quốc giữ vững ngôi đầu | |
“Siêu dự án” đánh thức bất động sản nghỉ dưỡng Quảng Bình |
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, so sánh với các loại hình hàng hóa bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng dạng biệt thự (villa) hay nhà liền kề (shophouse), BĐS nghỉ dưỡng dạng condotel luôn mang lại tỷ suất lợi nhuận cao nhất vì chi phí cho đất đai không đáng kể.
Ảnh minh họa |
Chi phí đất đai cho condotel chỉ bằng khoảng từ 0,15 - 0,17 chi phí đất đai của nhà liền kề. Trong khi đó mức cầu trên thị trường, có thể nói là cao nhất. Bởi nguồn cầu chung cho du lịch ở Việt Nam ngày càng cao do Nhà nước đã có đường lối rõ ràng đưa kinh tế du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn với nhiều chính sách phát triển rất cởi mở.
Thứ hai, trong số các khách du lịch thì khả năng chi trả cho condotel vẫn chiếm trên 90%, chỉ có một số ít giới nhà giàu đi du lịch mới có nhu cầu thuê biệt thự hoặc nhà liền kề.
Về số lượng người mua, tức là các nhà đầu tư thứ cấp, một căn hộ trong condotel chỉ đòi hỏi mức tiền đầu tư khoảng một vài tỷ đồng, trong khi đó nhà liền kề cũng đòi hỏi mức đầu tư trên chục tỷ đồng và biệt thự tới mức đầu tư vài chục tỷ đồng. Vì vậy, sức hút đầu tư vào các căn hộ trong condotel là rất lớn vì vừa sức với một số lượng lớn nhà đầu tư thứ cấp.
Nhìn rộng ra toàn nền kinh tế, việc dạng hàng hóa BĐS nghỉ dưỡng condotel có sức hút đầu tư lớn, tạo nguồn cung lớn sẽ tạo nên sự đóng góp đáng kể vào phát triển hạ tầng lưu trú phục vụ cho du lịch. Đây là một yếu tố quan trọng để sớm hoàn thành mục tiêu đưa kinh tế du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Bên cạnh sự hưng phấn trên thị trường, cũng có một số băn khoăn lo ngại về một sự bùng nổ quá nóng khi một con số thống kê không đầy đủ cho rằng có thời điểm trong năm 2017, 60% vốn đầu tư BĐS chảy vào Condotel. Ở góc nhìn của mình, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng 60% vốn đầu tư trên thị trường BĐS chảy vào condotel là một con số hợp lý.
Trong năm 2017, vốn đầu tư vào thị trường BĐS tập trung chủ yếu vào phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, có thể tới khoảng 70%, còn lại 30% đầu tư vào các dự án nhà ở, trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng. Phân khúc BĐS nhà ở vừa qua hút vốn đầu tư không nhiều, chủ yếu là phát triển phân khúc giá trung bình. Phân khúc giá rẻ gần như bị dừng lại, phân khúc giá cao cũng hút vốn đầu tư không đáng kể. Nếu tổng vốn đầu tư vào BĐS du lịch, nghỉ dưỡng chiếm 70% mà 60% đầu tư vào condotel là hợp lý. Chúng ta hãy nhìn vào tỷ lệ khách du lịch giàu vào Việt Nam thì thấy tỷ lệ vốn đầu tư như trên là hợp lý.
Liên quan đến vấn đề pháp lý, và những băn khoăn về quyền sở hữu condotel, ông Đặng Hùng Võ thừa nhận đúng là việc giao đất để phát triển các BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đang có một điểm nghẽn về pháp luật.
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, đất để phát triển condotel là đất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp, có thời hạn sử dụng thông thường là 50 năm, trường hợp đặc biệt là 70 năm. Mặc dù vậy, một số địa phương đã giao đất này theo chế độ sử dụng đất ở, tức là được sử dụng lâu dài; một số địa phương vẫn giao theo đất kinh doanh dịch vụ, được sử dụng có thời hạn.
Xét trên thực tế, khi đất phát triển BĐS du lịch, nghỉ dưỡng được sử dụng như đất ở thì mang lại hiệu quả thu hút vốn đầu tư rất lớn từ các nhà đầu tư thứ cấp vì họ mong muốn có được quyền sở hữu BĐS lâu dài. Điều này có nghĩa là sự điều chỉnh pháp luật có tác động rất lớn tới tiến trình phát triển BĐS du lịch, nghỉ dưỡng.
“Theo tôi, pháp luật đất đai hiện hành cần được sửa đổi theo hướng nhà đầu tư BĐS du lịch, nghỉ dưỡng được quyền lựa chọn hình thức giao đất ở hoặc thuê đất kinh doanh dịch vụ để thực hiện các dự án phát triển BĐS du lịch, nghỉ dưỡng. Mọi thông tin về giao đất, cho thuê đất phải được công khai để các nhà đầu tư thứ cấp quyết định việc tham gia đầu tư”, ông Đặng Hùng Võ nói.