Tăng cường quản lý VSATTP
Đẩy mạnh kiểm soát an toàn thực phẩm | |
Hà Nội đã thành lập 6 đoàn kiểm tra VSATTP dịp Tết |
Theo phản ánh của các địa phương, công tác quản lý VSATTP hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc, khó giải quyết. Nguyên nhân là việc phân bố các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, khó kiểm soát. Trong khi đó, đội ngũ chuyên trách VSATTP còn ít, hạn chế về kinh nghiệm...
Tăng cường quản lý VSATTP giai đoạn cuối năm |
Chẳng hạn như trên địa bàn Hà Nội - một trong những thành phố cung cấp và tiêu thụ lượng lương thực, thực phẩm lớn cả nước - theo thống kê hiện có trên 59.000 cơ sở kinh doanh, chế biến, sản xuất thực phẩm phân bố ở khắp 30 quận, huyện…
Toàn thành phố hiện có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 17 cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp, 4 cơ sở giết mổ tập trung thủ công và 1.047 điểm giết mổ nhỏ lẻ, thủ công... Vì vậy, để quản lý đảm bảo đủ tiêu chuẩn VSATTP cũng không phải là dễ.
Theo PGS-TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, diễn biến phức tạp của vấn đề VSATTP có nguyên nhân từ nhiều phía. Thực trạng người dân vì chạy theo lợi nhuận đã không ngại dùng các hóa chất độc hại nhằm gia tăng năng suất sản phẩm trong trồng trọt cũng như chăn nuôi. Nhưng đặc biệt, vai trò của nhà quản lý là rất quan trọng.
Bà An cũng không ngần ngại chỉ ra rằng, trên thực tế đã xảy ra hiện tượng khi phát hiện vi phạm đáng nhẽ xử phạt nhưng chỉ cần đưa một ít tiền là lực lượng chức năng có thể bỏ qua, thậm chí đó là thực phẩm quá date, có thể gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Do đó, vấn đề đặt ra ở đây là nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, giám sát của cộng đồng.
Nhằm đề cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo đảm VSATTP, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó nhấn mạnh về công tác thanh kiểm tra về VSATTP.
Theo UBND TP. Hà Nội, nhằm thực hiện Chỉ thị 13, thời gian qua các cấp các ngành trên địa bàn Hà Nội từ xã, phường đến thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra, tăng cường công tác quản lý VSATTP. Theo đó, thành phố đã thành lập 1.440 đoàn thanh kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về VSATTP.
Đặc biệt đã thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên thanh tra, kiểm tra đột xuất các điểm nóng, các cơ sở kinh doanh, chế biến, sản xuất thực phẩm trên địa bàn. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay thành phố đã kiểm tra trên 90.000 lượt cơ sở, phát hiện 15.571 cơ sở vi phạm VSATTP, phạt tiền 4.400 cơ sở với số tiền phạt thu về hơn 24 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vấn đề có thể sẽ còn nóng hơn rất nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, khi lượng tiêu thụ thực phẩm tăng lên do nhu cầu của thị trường. Bởi lẽ, đây cũng là dịp để thực phẩm bẩn, kém chất lượng được đưa ra tiêu thụ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người dân. Trước tình thế đó, các cơ quan chức năng cũng đã lên phương án để đối phó.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, sản phẩm có an toàn hay không phụ thuộc hoàn toàn vào quy trình sản xuất. Do vậy hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các cơ sở sản xuất rau, thịt an toàn. Đối với các trường hợp sản xuất có quy trình không bảo đảm, sẽ đóng cửa và tước giấy phép kinh doanh tạm thời cho tới khi bảo đảm các yêu cầu về sản xuất sạch.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, là cơ quan thường trực của thành phố về đảm bảo VSATTP, Sở luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành trong triển khai các chương trình VSATTP. Đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội sắp tới, cơ quan này sẽ tăng cường công tác kiểm tra và quyết liệt hơn trong quản lý VSATTP.
Tuy nhiên, ông Hiền cũng cho rằng, công tác này có hiệu quả hay không, bên cạnh sự vào cuộc của các sở, ngành chức năng thì vai trò của chính quyền địa phương vô cùng quan trọng...