Kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng và lạm phát đề ra
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017. (Ảnh: VGP) |
Kinh tế vĩ mô ổn định, các ngành tiếp tục phục hồi
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khái quát những kết quả nổi bật đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng 4/2017.
Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng không tăng (mặc dù đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước 2 tại 14 tỉnh, thành phố); tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi (nhất là sản xuất công nghiệp, tháng 4 tăng 7,4%, cao hơn mức 4,2% của quý I); xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tăng 15,4%; vốn FDI đăng ký mới tính chung 4 tháng đầu năm là 10,95 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016; thu NSNN tăng khá (tăng 17,8% so với cùng kỳ). Đặc biệt, số DN thành lập mới đạt kết quả tích cực (gần 40.000 DN đăng ký mới; tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung là 825.000 tỷ đồng)...
Trong 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng ước đạt 4,86%, cao nhất trong 6 năm gần đây. |
Tại phiên họp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư nêu dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, các kịch bản tăng trưởng của các quý còn lại và cả năm 2017, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp, nhóm giải pháp tập trung thực hiện trong năm 2017 nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra là 6,7%.
Theo đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã tính toán, chi tiết hóa phương án tăng trưởng trong 9 tháng còn lại, cụ thể từng quý là: Quý II tăng 6,26%, quý III tăng 7,29% và quý IV tăng 7,49%. Kịch bản tăng trưởng này đã tính đến điều kiện tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức 35% trên GDP, kế hoạch sản xuất và xuất khẩu tăng cùng với các điều kiện về kinh tế thế giới, kinh tế trong nước, thời tiết, khí hậu... đều thuận lợi.
Kiên định, nhất quán với mục tiêu đã đề ra
Đồng tình với Báo cáo cũng như kịch bản, phương án tăng trưởng kinh tế quý II, III, IV và cả năm 2017 được Bộ Kế hoạch - Đầu tư xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhiệm vụ trong những tháng tiếp theo của năm 2017 là rất nặng nề, nhất là đối với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% và kiểm soát lạm phát 4%.
Thủ tướng yêu cầu, ngay sau phiên họp này, Bộ Kế hoạch - Đầu tư tiếp tục rà soát cụ thể từng chỉ tiêu, thống nhất với các bộ, ngành để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện.
"Để thực hiện được các mục tiêu đề ra đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn và phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương. Nhiệm vụ càng khó khăn thì quyết tâm càng phải lớn và người đứng đầu càng phải thể hiện bản lĩnh và khả năng lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đặc biệt là sự chủ động sáng tạo và tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng và lạm phát đề ra bởi thực hiện được các mục tiêu này mới bảo đảm được các cân đối vĩ mô như NSNN, nợ công, đầu tư xuất nhập khẩu và việc làm, thu nhập, đời sống người dân. Đồng thời, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững những năm tiếp theo và bảo đảm đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 tăng trưởng 6,5-7%.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với từng ngành, lĩnh vực để các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện.
Về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cần theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, chủ động điều hành chính sách tiền tệ, bảo đảm kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra; phải có các giải pháp, chính sách phù hợp để vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng; tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao...) gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống; trong đó chú trọng đẩy mạnh cho vay gói 100.000 tỷ đồng vốn tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao...