Kinh tế tháng đầu năm: “Đầu xuôi đuôi lọt”
Môi trường kinh doanh tạo sinh khí mới | |
Cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực | |
Kinh tế tư nhân vẫn đang bị “cớm nắng” |
Các động lực chính vẫn giữ nhịp
Trước hết, xu thế tích cực thể hiện rõ ở chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1/2018 ước tính tăng cao ở mức 20,9% so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay không trùng vào tháng 1 như năm 2017 và là thời điểm các DN tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.
Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo (động lực chính của tăng trưởng năm 2017) tăng 23,8%, đóng góp 17,5 điểm % vào mức tăng chung. Một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như khai thác quặng kim loại tăng 52,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 38%; sản xuất kim loại tăng 27,1%; sản xuất trang phục tăng 25,8%; dệt tăng 23%...
Cần nâng cao hiệu quả tái cơ cấu để tạo năng lực hấp thụ lớn hơn cho nền kinh tế |
Xuất khẩu trong tháng 1/2018 vẫn duy trì được kim ngạch ở mức 19 tỷ USD, tăng mạnh 33,1% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy đã có 6 tháng liên tiếp kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 19 tỷ USD. Đây là mốc quan trọng mà theo Tổng cục Thống kê đã thể hiện sự khởi sắc mạnh mẽ của xuất khẩu trong năm 2017, tới nay đang được duy trì trong tháng đầu năm 2018. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như điện thoại và linh kiện tăng 80,7%; hàng dệt may tăng 7,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 37,9%; giày dép tăng 11,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 18,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 22%...
Không khí chuẩn bị cho Tết Nguyên đán diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước, cũng là một lát cắt cho thấy nền kinh tế đang chuyển động với xu hướng tích cực. Theo đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2018 ước tính đạt 19,3 tỷ USD tăng mạnh 47,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng tăng cao vào tháng giáp Tết Nguyên đán.
Tổng cục Thống kê nhận định, hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ trong tháng giáp Tết diễn ra sôi động, nhu cầu mua sắm của người dân tăng. Các DN và hệ thống siêu thị đã chủ động dự trữ hàng hóa, nguyên liệu nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Mậu Tuất. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2018 ước tính đạt 361,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Các hoạt động bán lẻ hàng hoá, lưu trú ăn uống, du lịch lữ hành đều tăng nhờ một phần trợ lực từ lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2018 ước tính đạt trên 1,4 triệu lượt người, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều tăng. Ngành du lịch mở đầu năm 2018 tương đối thuận lợi và nếu giữ được đà này, con số kỷ lục 12,9 triệu lượt khách trong năm 2017 sẽ sớm được phá vỡ. Mặt khác, nhờ sự cộng hưởng từ nhu cầu trong nước và khách quốc tế đến Việt Nam, tiêu dùng trong nước đang tiếp tục là một động cơ mạnh mẽ cho tăng trưởng.
Một chỉ số quan trọng khác là thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù tính chung trong tháng 1/2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài chỉ bằng 75,9% so với cùng kỳ năm 2017, song vốn thực hiện vẫn tăng 10,5%. Không tính các dự án góp vốn, mua cổ phần, phần vốn thực hiện này cao hơn cả vốn đăng ký mới và đăng ký tăng thêm. Điều này thể hiện chất lượng dòng vốn ngoại đang tiếp tục đi vào thực chất hơn.
Lo cho dài hạn
Nhìn vào các số liệu của tháng 1, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành đánh giá nền kinh tế vẫn đang diễn biến rất tích cực, thậm chí hơi hứng khởi một chút, thể hiện ở tất cả các chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, vốn giải ngân FDI… Tuy nhiên ông Thành lưu ý đây là diễn biến mang tính chu kỳ, do năm nay Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2, vì vậy tới thời điểm này hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu… vẫn diễn ra sôi nổi. Do đó nếu so với tháng 1/2017 là tháng diễn ra Tết Nguyên đán của năm ngoái, thì đà tăng trưởng vừa qua là tất yếu và không nên quá hứng khởi.
Ông Thành phân tích thêm, lạm phát trong tháng 1 ở mức 0,5% không có điểm gì bất thường, song ngay từ bây giờ công tác điều hành giá cần rất thận trọng để đảm bảo mục tiêu dưới 4% cho cả năm 2018. Bởi trong năm nay sẽ có nhiều biến số có khả năng thay đổi như giá xăng dầu tăng, giá dịch vụ y tế còn trên 30 tỉnh thành chưa điều chỉnh xong, bên cạnh đó còn giá dịch vụ giáo dục, giá thực phẩm chưa tăng mạnh. Ông Thành cũng cho biết, lạm phát cơ bản tháng 1/2018 tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 1,18% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn được điều hành khá uyển chuyển.
Một chỉ số khiến ông Thành lo ngại hơn cả là số DN tạm ngừng hoạt động trong tháng còn cao hơn số thành lập mới. Cụ thể là cả nước có hơn 10.800 DN đăng ký thành lập mới, song vẫn thấp hơn số tạm ngừng hoạt động là 13.300 DN. Đây cũng là dấu hiệu đáng lưu ý đã được cảnh báo từ năm 2017 và các năm trước đó, cho thấy môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều dư địa cần cải thiện.
Các chuyên gia kinh tế cũng tiếp tục đưa ra cảnh báo, các mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn không phải là vấn đề đáng lo ngại. Song câu chuyện dài hạn mà đằng sau đó là tái cơ cấu nền kinh tế chưa “đến nơi đến chốn” đang tiếp tục khiến tăng trưởng của nền kinh tế còn dưới tiềm năng.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khuyến cáo, cơ chế tăng trưởng, cơ cấu ngành, vùng còn chưa thay đổi được, FDI vào nhiều nhưng chưa lan toả hiệu quả, kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhưng giá trị gia tăng thấp, DN trong nước là nền tảng quan trọng bậc nhất nhưng còn yếu, DN tư nhân tăng nhiều nhưng nhỏ bé, thiếu liên kết… Các yếu tố này cho thấy cần thay đổi phương thức, cách làm để tái cơ cấu hiệu quả hơn và tạo ra năng lực hấp thụ lớn hơn cho nền kinh tế.