Cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực
Quyết liệt hơn trong tái cơ cấu kinh tế | |
Tái cơ cấu kinh tế: Phải bắt đầu từ thể chế và con người | |
Ngành Ngân hàng: Điểm sáng trong tái cơ cấu kinh tế |
Tổng cục Thống kê vừa tổ chức họp báo Công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra kinh tế năm 2017, theo đó đã đưa ra bức tranh đáng chú ý về sự chuyển động của các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp trong 5 năm qua.
Ảnh minh họa |
Khối DN tăng cao nhất
Tính đến thời điểm 1/7/2017 cả nước có gần 5,9 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tăng 13,7% so với năm 2012. Số lượng lao động trong các đơn vị là 26,9 triệu người, tăng 18,5% tương đương 4,2 triệu người so với năm 2012. Tốc độ tăng bình quân hàng năm về số lượng và số lao động trong 5 năm vừa qua đều thấp hơn giai đoạn 2007 - 2012.
DN là khu vực dẫn đầu về mức tăng số lượng và thu hút lao động. Tính đến ngày 1/1/2017, cả nước có 518.000 DN thực tế đang tồn tại, tăng 176.000 DN và gấp 1,5 lần so với năm 2012. Khối DN thu hút 14,1 triệu lao động, tăng 28,5% so với năm 2012, trong đó 14 triệu lao động thuộc các DN thực tế hoạt động. Thời kỳ 2012-2017, bình quân hàng năm số lượng DN tăng 8,7%, lao động tăng 5,1%.
Cả nước có 13.560 hợp tác xã, thu hút 206.600 lao động, giảm nhẹ về số cơ sở và giảm tới 15% về lao động so với năm 2012; có 5,1 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, thu hút 8,7 triệu lao động, mức tăng bình quân hàng năm về số cơ sở và lao động đều thấp hơn thời kỳ 2007 – 2012.
Đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp, tính đến năm 2017, khu vực này có 143.700 đơn vị, thu hút 3,8 triệu lao động, mức tăng số lượng đơn vị và lao động đều thấp hơn năm 2012 với 2,3% và 11,3%. Bên cạnh đó, cả nước có 42.700 cơ sở thuộc các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau với 140.000 chức sắc, lao động làm việc thường xuyên tại các cơ sở này.
Phân tích về một số xu hướng đáng chú ý trong sự dịch chuyển của các đơn vị, ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại dịch vụ cho biết, xét theo quy mô lao động, tại thời điểm 1/1/2017 cả nước có hơn 10.000 DN lớn, chiếm 1,9% tổng số DN, giảm so với tỷ lệ 2,3% của năm 2012. DN vừa tăng 23,6%; DN nhỏ tăng 21,2%; DN siêu nhỏ tăng tới 65,5% và chiếm 74% tổng số DN. Đáng chú ý là tỷ trọng các DNNVV tăng tới 6 điểm % so với năm 2012 trong khi tỷ trọng lao động giảm 0,8 điểm %, cho thấy quy mô DN đang nhỏ dần.
Một xu hướng khác là trong các đơn vị kinh tế, số lượng DN ngoài nhà nước và FDI tăng, DNNN giảm với tốc độ chậm. Thống kê sơ bộ cho thấy, khu vực DN ngoài nhà nước có số lượng lớn nhất với 500.000 DN, tăng 52,2% so với năm 2012. Khu vực FDI có 14.600 DN nhưng lại tăng mạnh nhất ở mức 54,2% so với thời điểm 1/1/2012. Riêng đối với khu vực DNNN, số lượng DN hoạt động chỉ còn 2.701 DN, giảm 18,3% tương đương 607 DN so với năm 2012. Kết quả này đạt được là nhờ thực hiện chủ trương cổ phần hóa, nhờ đó bình quân mỗi năm khu vực DNNN giảm 3% số lượng DN.
Xét theo lĩnh vực, khu vực dịch vụ có số lượng DN lớn nhất với 362.000 DN, chiếm 70% tổng số DN, tăng 57% so với năm 2012. Một số ngành thuộc khu vực này có số lượng DN tăng mạnh như giáo dục đào tạo; nghệ thuật, vui chơi và giải trí, chuyên môn khoa học công nghệ; y tế... phản ánh hiệu quả chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước chuyển các đơn vị hoạt động sự nghiệp sang mô hình DN. Bên cạnh đó, ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, đáng chú ý là các DN hoạt động nông nghiệp tăng cao ở mức 50% so với năm 2012. Đây là kết quả của chính sách thu hút đầu tư của các DN vào khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản những năm gần đây.
Hiệu quả từ các chủ trương đúng đắn
Đánh giá tổng quát, ông Nguyễn Trung Tiến cho rằng, kết quả này thể hiện sự phát triển tích cực của khu vực DN cũng như sự chuyển dịch thành công cơ cấu công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước. “Tuy nhiên con số thống kê cũng cho thấy xu hướng nhỏ dần, sự manh mún của khu vực DN, cũng như tiến trình xã hội hoá còn diễn ra chậm chạp, công nghệ thông tin chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của cơ quan nhà nước để phục vụ người dân... Đây là thách thức với nền kinh tế”, ông Tiến nhận định.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 cho thấy số DN mới thành lập tăng cả về số lượng và số lao động thu hút, điều này chứng tỏ môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện tốt, cho thấy hiệu quả của mô hình Nhà nước kiến tạo.
Ông Lâm phân tích thêm, trong giai đoạn 2012-2017, nếu xét về quy mô lao động sẽ thấy mặc dù lao động bình quân 1 DN giảm từ 32 người xuống 27 người, song số lượng là khác nhau giữa các loại hình. Theo đó, DNNN có số giảm cao nhất là 20 người/DN, trong khi DN ngoài nhà nước là 3 người/DN; riêng các DN FDI tăng bình quân 15 người/DN so với năm 2012; khu vực kinh tế tập thể và cá thể đều giảm nhẹ. "Điều này cũng phù hợp với xu hướng cổ phần hóa DNNN và khuyến khích DN ngoài nhà nước, kinh tế tư nhân phát triển", ông Lâm nhận xét.
Một khu vực khác được cơ quan thống kê lưu ý là cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Tuy chiếm tỷ trọng tới 87,8% về số lượng nhưng tỷ trọng về lao động của khối này chỉ chiếm 32% tổng số lao động của các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp. Tổng cục Thống kê cho biết, quy mô của các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể vẫn rất nhỏ lẻ và có xu hướng giảm nhẹ so với trước. Số lao động bình quân trong một cơ sở năm 2017 là 1,68 lao động, thấp hơn mức 1,72 của năm 2012. Bên cạnh đó, tỷ trọng các cơ sở đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ chiếm 26,2%.
Ông Lâm nhận xét, khu vực này mới chỉ đóng góp khoảng 11-13% GDP, chưa thực sự tương xứng với quy mô về số lượng và số lao động. Bên cạnh đó, đây là khu vực tạo công ăn việc làm, tạo nên sự đa dạng hoá ngành nghề, có tính linh hoạt cao… Vì vậy lực lượng này chính là nền tảng để chúng ta đạt được mục tiêu đến năm 2020 thành lập được 1 triệu DN.
Kết quả thống kê cũng cho thấy một lát cắt khác về sự gian nan trong thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên đang được đẩy mạnh thời gian gần đây.
Theo đó, số đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao với 70,2% số cơ sở và 55,4% số lao động trong toàn bộ khối đơn vị hành chính sự nghiệp. Các đơn vị tự bảo đảm một phần chi hoạt động thường xuyên mới chỉ ở mức 15,5% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập, với 25,4% số lao động.
Các đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên và đầu tư vận dụng cơ chế như DN hoặc đề án thí điểm tự chủ; đơn vị tự bảo đảm toàn bộ hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên chiếm tỷ lệ rất nhỏ, tổng số cơ sở của cả ba loại hình này chưa đến 4%, lao động khoảng 5%.
Mặc dù vậy, theo Tổng cục Thống kê, có dấu hiệu tích cực là cả tốc độ tăng số lượng và số lao động của khu vực hành chính sự nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã giảm so với giai đoạn 2007-2012.