Lại nóng chuyện vận chuyển thực phẩm bẩn
Gian nan kiểm soát thực phẩm bẩn | |
Ai cho lương thiện? |
Diễn ra quanh năm
Tại Quảng Nam, liên tiếp các vụ vận chuyển thực phẩm trái phép đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Theo đó, mới đây trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Phú Ninh, công an Quảng Nam khi kiểm tra xe tải mang BKS 92K - 4740, do tài xế Sơ Ngọc Dũng trú huyện Tiên Phước điều khiển đang vận chuyển trái phép hơn 200kg thịt, nội tạng được đựng trong nhiều bao tải giấu dưới gầm xe. Toàn bộ số sản phẩm trên không có giấy tờ kiểm dịch theo quy định.
Cũng trong khoảng thời gian này, lực lượng cảnh sát môi trường công an Quảng Nam cũng đã bắt giữ hai xe tải và xe khách chở mỡ và thịt chưa qua kiểm dịch, bốc mùi hôi thối. Tổng cộng có gần 1,4 tấn mỡ, nội tạng động vật hôi thối chuẩn bị đưa vào tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn... đã bị lực lượng chức năng ngăn chặn, bắt giữ.
Cũng trên quốc lộ 1A, công an Quảng Nam cũng đã kiểm tra, phát hiện và bắt giữ xe ô tô khách mang BKS 77H-2626, lưu thông theo hướng Nam - Bắc, đang chở 200 kg thịt lợn không có giấy kiểm dịch…
Khó ngăn chặn vấn nạn vận chuyển thực phẩm bẩn |
Tương tự, thời gian gần đây, các cơ quan chức năng ở TP. Đà Nẵng cũng đã liên tục phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn. Đơn cử như vụ việc, Phòng cảnh sát môi trường và Chi cục Thú y TP. Đà Nẵng phát hiện xe tải mang BKS 43S-7422 đang lưu thông trên đường tránh Nam Hải Vân hướng Đà Nẵng - Quảng Nam, có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Khi yêu cầu tài xế dừng xe, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có chở 13 thùng xốp với tổng trọng lượng 300kg. Bên trong các thùng xốp có chứa đầy nội tạng heo đã ngả màu, bốc mùi hôi thối, tất cả đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Tài xế Nguyễn Quốc Huy, trú TP. Đà Nẵng khai nhận, số hàng trên được thu gom ở trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm ở TP. Đà Nẵng, sau đó đưa vào Quảng Nam tiêu thụ thì bị phát hiện…
Số vụ việc gia tăng, tuy nhiên theo nhiều người số vụ vận chuyển trái phép thực phẩm bẩn ở Đà Nẵng bị phát hiện, bắt giữ mới chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”.
Bên cạnh, các vụ vận chuyển thực phẩm “quá đát” bị phát hiện, bắt giữ, lực lượng chức năng ở Đà Nẵng còn phát hiện các cơ sở chế biến thực phẩm bẩn trái phép. Trong đó, nổi cộm là vụ Công an TP. Đà Nẵng phát hiện tại nhà ông Nguyễn Quế Huy, ở huyện Hòa Vang, có một số lượng lớn nội tạng không rõ nguồn gốc.
Qua công tác khám xét, cảnh sát môi trường đã thu giữ 350 kg nội tạng, 5.600 kg nội tạng đã qua chế biến được cất giữ tại kho lạnh. Chủ cơ sở đã khai nhận, chế biến số nội tạng trên để đưa ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.
Điều nguy hiểm hơn, chủ cơ sở này cũng đã thừa nhận việc sử dụng một loại bột màu trắng, trên bao bì có ghi chữ Trung Quốc dùng để tăng trọng lượng nội tạng bằng cách cho bột vào và ngâm nước…
Khó ngăn chặn
Có thể nói, tình trạng vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm “quá đát” đã và đang gia tăng trên địa bàn miền Trung. Để “qua mặt” lực lượng chức năng, đối tượng vận chuyển đang sử dụng những thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó. Theo đó, thay vì vận chuyển tập trung bằng xe chuyên dụng hoặc xe tải, thời gian gần đây hầu hết những vụ vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn đều xé lẻ, vận chuyển bằng xe khách, hoặc bốc dỡ, vận chuyển trong đêm…
Ngoài ra, trong một số vụ việc bị phát hiện các đầu nậu còn liều lĩnh khi tận dụng tem kiểm dịch để vận chuyển nhiều lần cho một loại hàng hóa, thậm chí sử dụng các loại giấy kiểm dịch không đúng quy định. Ngoài việc thường xuyên vận chuyển bằng đường bộ như lâu nay, thời gian gần đây để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, một số đối tượng còn chọn phương tiện khác như đường thủy, tàu hỏa.
Đặc biệt, khi bị phát hiện các tài xế xe thường khai, nhận vận chuyển cho khách hàng nhưng không biết đã kiểm dịch hay chưa, thậm chí không biết tên chủ hàng… Đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam thừa nhận, tình trạng vận chuyển thực phẩm bẩn có thể nói là đáng báo động. Quảng Nam là địa bàn rộng, đường quốc lộ đi qua khá dài, nên số lượng vụ phát hiện thời gian gần đây khá lớn...
Bên cạnh vấn nạn vận chuyển trái phép thực phẩm bẩn, kết quả giám định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở chế biến cũng đang gióng lên những hồi chuông báo động. Đơn cử như tại Quảng Nam, kết quả an toàn thực phẩm trên địa bàn vừa được công bố khiến nhiều người giật mình.
Theo đó, chỉ có 16/147 cơ sở giết mổ được cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y và 4/147 cơ sở giết mổ của tỉnh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong khi, các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ công tác kiểm định, xét nghiệm thực phẩm, hàng hóa ở địa phương lại còn nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Văn, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, để xét nghiệm những sản phẩm có chứa kim loại nặng, địa phương không thực hiện được mà phải gửi mẫu đi Đà Nẵng hay TP. Hồ Chí Minh và tốn thời gian chờ đợi kết quả.
Để ngăn chặn thực phẩm bẩn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chỉ thị tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế do vẫn còn một số người tiêu dùng vẫn có xu hướng lựa chọn những mặt hàng giá rẻ, lợi dụng điều này các đối tượng đã vận chuyển các mặt hàng ế thừa, quá hạn sử dụng… khiến tình hình vận chuyển thực phẩm quá đát ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.
Do vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng thì việc nâng cao nhận thức, ý thức tiêu dùng của các “thượng đế” cũng cần phải được quan tâm. Có như vậy, mới mong đến chuyện kiểm soát, ngăn chặn được vấn nạn vận chuyển trái phép thực phẩm “quá đát”.