Lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu đề ra
Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh là nguyên nhân lớn nhất đẩy CPI năm 2017 tăng |
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, việc CPI tháng 12/2017 tăng 0,21% so với tháng trước, mức tăng khá thấp. Mặc dù trong tháng có tới 8 nhóm hàng hóa dịch vụ tăng giá, song ngoại trừ nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giao thông có mức tăng khá cao, các nhóm còn lại đều tăng rất nhẹ, chủ yếu do yếu tố mùa vụ.
Cụ thể, trong tháng nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng tới 2,55% (trong đó dịch vụ y tế tăng 3,30%) do trong tháng có 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế (tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,13%). Bên cạnh đó, nhóm giao thông tăng 0,84% do tác đọng của các đợt tăng giá xăng dầu trước đó.
Đứng thứ 3 về mức độ tăng là nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (tăng 0,43%) do nhu cầu mua sắm hàng mùa đông tăng lên. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng cao hơn mức tăng chung (tăng 0,22%) do giá gas, giá dầu hỏa và giá điện, nước sinh hoạt được điều chỉnh tăng, cùng với nhu cầu sửa chữa nhà ở tăng cao trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, trong tháng cũng có 2 nhóm hàng hóa dịch vụ giảm giá, trong đó đáng chú ý là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống – nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng tính CPI - giảm 0,23% đã góp phần kiềm chế mức tăng chung.
Ngoài ra, nhóm giáo dục giá không đổi so với tháng trước.
Với diễn biến giá cả tháng 12 như vậy, tính chung CPI tháng 12/2017 tăng 2,6% so với tháng 12/2016, bình quân mỗi tháng tăng 0,21%. CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với bình quân năm 2016, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân năm 2017 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất là do các địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC và Thông tư số 02/2017/TT-BYT. Cụ thể, tính đến ngày 20/12/2017 đã có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế làm cho CPI tháng 12 tăng khoảng 1,35% so với cùng kỳ năm 2016; CPI bình quân năm 2017 tăng 2,04% so với năm 2016.
Thứ hai là việc thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP làm chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 12/2017 tăng 7,29% so với cùng kỳ năm 2016, tác động làm CPI tháng 12 tăng 0,41% so với cuối năm 2016, CPI bình quân năm 2017 tăng khoảng 0,5% so với năm 2016.
Thứ ba, việc tăng lương tối thiếu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp từ ngày 1/1/2017 và mức lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ ngày 1/7/2017 làm giá bình quân một số loại dịch vụ như sửa chữa đồ dùng gia đình, bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện, nước, dịch vụ thuê người giúp việc gia đình năm 2017 tăng từ 3%-8% so với năm 2016.
Ngoài ra còn một số yếu tố về thị trường, nhu cầu du lịch tăng, một số địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, thời tiết bất lợi cũng làm CPI năm nay tăng so với năm 2016.
Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2017, trong đó chỉ số giá nhóm thực phẩm bình quân năm giảm 2,6% so với năm 2016 (chủ yếu giảm ở nhóm thịt tươi sống).
Đặc biệt, theo Tổng cục Thống kê, NHNN Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Cụ thể, lạm phát cơ bản tháng 12/2017 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2017 tăng 1,41% so với bình quân năm 2016.
Về diễn biến 2 nhóm hàng hóa đặc biệt, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá vàng tháng 12/2017giảm 0,12% so với tháng trước; tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2016; bình quân năm 2017 tăng 3,71% so với năm 2016. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2017 tăng 0,02% so với tháng trước và giảm 0,05% so với cùng kỳ năm 2016; bình quân năm 2017 tăng 1,40% so với năm 2016.