Lạm phát tăng tốc
Xu hướng dài hạn của lạm phát tiếp tục tăng | |
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 bật tăng trở lại | |
Tránh tạo lạm phát kỳ vọng và tạo độ trễ áp lực lạm phát |
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,86% so trong tháng có 17 tỉnh, thành tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế |
Nguyên nhân khiến CPI tháng 8 tăng mạnh là do trong tháng có tới 10/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá, trong đó nhiều nhóm hàng có mức tăng khá lớn.
Cụ thể nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất 2,86% do trong tháng có 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, đẩy giá dịch vụ y tế tăng 3,72% (tác động làm CPI tăng khoảng 0,14%).
Đứng thứ hai là nhóm giao thông với mức tăng 2,13% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 4/8/2017 và thời điểm 19/8/2017 (tác động làm CPI tăng khoảng 0,2%).
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đứng thứ 3 với mức tăng 1,06% (trong đó lương thực tăng 0,31%; thực phẩm tăng 1,64% do giá thịt lợn và rau xanh tăng mạnh). Song do là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng tính CPI, nên nhóm hàng ăn đã đẩy CPI chung tăng 0,37%.
Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,93% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,27%; giá gas trong nước điều chỉnh tăng 8,91% từ đầu tháng 8; giá dầu hỏa bình quân tháng 8/2017 tăng 5,14%.
Nhóm Giáo dục tăng 0,57% (dịch vụ giáo dục tăng 0,51%) do trong tháng có 5 tỉnh, thành phố thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.
Các nhóm hàng hóa khác chỉ tăng khá nhẹ như: May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,09%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,07%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,01%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,10%.
Trong tháng chỉ có duy nhất nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,04%.
Với diễn biến giá cả tháng 8 như vậy, tính chung 8 tháng đầu năm, CPI tăng 1,23%; còn so với cùng kỳ năm 2016 tăng 3,35%. CPI bình quân 8 tháng năm 2017 tăng 3,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, lạm phát cơ bản tháng 8/2017 chỉ tăng 0,10% so với tháng trước và tăng 1,31% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2017 tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Về diễn biến hai nhóm hàng hóa đặc biệt, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá vàng tháng 8/2017 tăng 1,11% so với tháng trước; tăng 3,42% so với tháng 12/2016 và giảm 2,35% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2017 giảm 0,03% so với tháng trước; giảm 0,06% so với tháng 12/2016 và tăng 1,83% so với cùng kỳ năm 2016.
Mặc dù CPI bình quân 8 tháng năm 2017 mới chỉ tăng 3,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, vẫn thấp hơn mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra, song sự tăng tốc khá nhanh của lạm phát không khỏi khiến các chuyên gia lo ngại cho mục tiêu này.
Sở dĩ như vậy do giá cả thường có xu hướng tăng cao trong những tháng cuối năm, trong khi nhiều địa phương sẽ tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình. Rủi ro từ bên ngoài cũng rất lớn khi mà giá xăng dầu có thể tăng cao trở lại, đồng USD cũng có thể phục hồi trở lại nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất...
Bởi vậy, vẫn cần phải hết sức thận trọng với lạm phát.