Làm sao không giận được?
Vật tư nông nghiệp kém chất lượng: Vấn nạn nan giải | |
Quyết liệt chống hàng giả, hàng nhái | |
Gian nan cuộc chiến chống phân bón giả |
Người mua xăng vừa đây đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc rất đặc biệt. Suốt nửa tháng nay, hình ảnh ông Hiroaki Honjo, Tổng giám đốc Công ty xăng Idemitsu Q8(IQ8) đội nắng, mưa cúi chào khách mỗi khi ra vào đổ xăng tại trạm xăng trong khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) tạo được thiện cảm với nhiều người tiêu dùng.
Ảnh minh họa |
Cam kết đảm bảo lượng xăng bơm tại trạm, nhân viên nhiệt tình lau kính và gương ô tô miễn phí, chủ động mở cửa xe cho khách… trạm xăng của IQ8 đồng thời cũng đem lại kỳ vọng về chất lượng dịch vụ ngành hàng này bắt đầu vào cuộc cạnh tranh, sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân và DN, khiến họ thấy được tôn trọng khi bỏ tiền mua xăng.
Nhưng, trong khi thiện cảm và sự hài lòng ấy lên đến đỉnh điểm thì cũng ngay lập tức một cảm xúc khác - giận dữ - lại vừa được thổi bùng, cũng liên quan đến các DN kinh doanh xăng dầu.
Hôm 24/10, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An thông tin với báo chí rằng với 12 mẫu xăng dầu từ 7 DN được gửi xét nghiệm thì đến 11 mẫu vi phạm về trị số ốc-tan. Mức độ vi phạm trên diện rộng như vậy được cơ quan kể trên khẳng định là “sự giả dối nghiêm trọng”.
Việc “lật mặt” các điểm bán xăng chất lượng kém này thực tế chỉ là hoạt động mở rộng điều tra. Trước đó, cơ quan chức năng đã bắt quả tang người của Công ty TNHH Thanh Ngũ (huyện Diễn Châu, Nghệ An) đang đổ chất dung môi trong bồn xe ô tô chở téc.
Qua xác minh cho thấy một số DN trên địa bàn này đã nhiều lần mua dung môi về pha với xăng A92 để bán cho các cửa hàng bán lẻ. Với lượng dung môi các DN này mua và bán lại, ước tính có đến 2 triệu lít xăng kém chất lượng đã được pha chế và bán ra thị trường chỉ trong khoảng 2 - 3 tháng gần đây.
Đặt địa bàn tại Nghệ An, nhiều trạm bán xăng kém chất lượng bám sát quốc lộ 1, như vậy có thể họ đã bán cho hàng nghìn, hàng vạn xe lưu thông trên trục đường này trong thời gian qua. Với giá xăng A92 bán ra thời gian qua khoảng 18.000 đồng/lít, trong khi dung môi mua về có giá khoảng 10.600 đồng/lít, những DN, trạm xăng gian dối đã “ăn trên lưng” lãi xe hàng tỷ đồng.
Nhưng, đó không chỉ là chuyện làm gian cho vênh giá. Việc sử dụng xăng pha chất dung môi được cơ quan chuyên môn khẳng định sẽ thải ra các chất ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Riêng với phương tiện sử dụng loại xăng này, nguy cơ cháy nổ là cao, đồng thời dễ làm hư hỏng bộ chế hòa khí…
Làm sao không giận dữ được khi hành động “ăn trên lưng” đó diễn ra đồng loạt ở nhiều DN. Nó đồng thời cũng đặt ra câu hỏi, phải chăng thị trường xăng dầu ở khu vực Nghệ An đã bị các đơn vị này lũng đoạn? Cơ quan quản lý đã bị “qua mặt”?
Và làm sao không giận dữ được khi hàng tỷ đồng các DN, trạm xăng gian dối kiếm được là từ chính mồ hôi, sức lực của người điều khiển phương tiện, đánh vào tài sản của chủ phương tiện. Kẻ làm gian thì “vinh gia, phì thân”, nhưng của cải ấy được tạo ra chính từ việc làm thiệt hại khách hàng của họ, phá hoạt một thị trường hàng hóa rất cần xây dựng bằng niềm tin giữa bên mua và bên bán.
Có lẽ, cũng không quá nếu coi sự giả dối của các DN, trạm xăng vừa nêu như một cái tát vào tự trọng của người tiêu dùng. Nó khiến người ta phải nhìn lại cách hành xử của các cây xăng hiện nay đối với họ; xem lại chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ của nhân viên trạm xăng; đánh giá sự tôn trọng với khách hàng của những nơi này.
Có thể sau câu chuyện này, thị trường xăng dầu sẽ vẫn còn tràn lan cách hành xử “bắt nạt” người mua. Những khẩu lệnh cộc lốc: lên đây, lùi lại đi, hay những cái hất hàm đầy ngụ ý cũng có thể vẫn tràn lan. Nhưng nếu thị trường này mãi không thay đổi, từ chuyện quản chặt thị trường hơn để không lọt hàng kém chất lượng đến thay đổi tư duy kinh doanh từ chủ DN đến cán bộ nhân viên cây xăng… thì có thể đến lúc người sử dụng phương tiện chỉ tìm đến những địa chỉ bán xăng có người cúi đầu chào khách…