Lao đao xuất khẩu dăm gỗ
Xuất khẩu dăm gỗ gặp khó vì thuế tăng | |
Doanh nghiệp chế biến dăm gỗ gặp khó |
Hệ lụy của phát triển “nóng”?
Thời kỳ hoàng kim của ngành chế biến xuất khẩu dăm gỗ nằm trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2015. Theo đó, trong khoảng thời gian này, lượng dăm gỗ xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 2,3 triệu tấn năm 2010 lên trên 8 triệu tấn trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu gần 1,2 tỷ USD. Việt Nam trở thành quán quân về xuất khẩu dăm gỗ…
Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, đến đầu năm 2016 xuất khẩu dăm gỗ bắt đầu rơi vào tình trạng “tuột dốc không phanh”. Nửa đầu năm 2016, lượng dăm xuất khẩu giảm mạnh chỉ còn khoảng 1,9 triệu tấn, với giá trị xuất khẩu ở mức 248 triệu USD. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2016 chỉ trên dưới 600 triệu USD, bằng 1/2 năm 2015…
Ngành chế biến, xuất khẩu dăm gỗ đang gặp nhiều khó khăn |
Vậy, nguyên nhân nào khiến xuất khẩu dăm gỗ Việt Nam rơi vào tình trạng thê thảm như vậy? Theo nhiều chuyên gia, đầu tiên do giá dầu thế giới giảm mạnh khiến chi phí vận tải giảm theo, nhiều quốc gia cung cấp dăm gỗ ở châu Phi, châu Mỹ, châu Úc có thể vươn đến thị trường xa hơn như, Trung Quốc, Nhật Bản. Sự xuất hiện cùng lúc của nhiều “đối thủ” khiến dăm gỗ Việt Nam mất đi vị thế độc tôn.
Thực tế, sự phát triển “nóng” của dăm gỗ xuất khẩu Việt Nam, khi lên đến 8 triệu tấn/năm trong năm 2015, cũng đã góp phần làm cho giá dăm gỗ trên thị trường thế giới sụt giảm. Thêm một nguyên nhân nữa, việc áp thuế 2% càng làm cho DN chế biến, xuất khẩu dăm gỗ thêm khó khăn. Bởi, ước tính mức thuế xuất khẩu 2%, tương đương với mức tăng 2,5-2,8 USD/tấn dăm trong cơ cấu giá thành xuất khẩu.
Về chủ quan của DN xuất khẩu gỗ dăm, sự phát triển ồ ạt đã khiến xảy ra tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh. Nếu như, ở thời điểm năm 2009, cả nước mới chỉ có 47 nhà máy, đến năm 2014, đã tăng lên con số 130 nhà máy. Ngoài ra, các DN trong nước quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, khi thị trường này tiêu thụ đến 40% dăm gỗ của Việt Nam. Gần đây, nhu cầu tiêu thụ dăm gỗ tại thị trường này sụt giảm, ngay lập tức khiến nhiều DN lao đao.
Ngoài những khó khăn của DN, theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends, sự sụt giảm nghiêm trọng lượng dăm gỗ xuất khẩu đang và sẽ tiếp tục tác động tiêu cực, không chỉ với các DN xuất khẩu, mà còn tác động đến hàng trăm nghìn hộ gia đình, bao gồm nhiều hộ dân nghèo, là nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành dăm và hàng trăm nghìn lao động khác tham gia các khâu của chuỗi cung ứng.
Chủ động để chuyển hướng
Thực tế, với nhiều tác động các DN chế biến, xuất khẩu dăm gỗ đang phải thu hẹp sản xuất, giảm giá thu mua mới mong cạnh tranh được trên thị trường. Ông Nguyễn Nị, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Dung Quất (Quảng Ngãi) cho rằng, hiện 70% gỗ rừng trồng là hộ gia đình tập trung tại trung du và miền núi.
Việc bán sản phẩm nguyên liệu gỗ rừng trồng cho các nhà máy chế biến sản phẩm đồ gỗ, ván ép, ván MDF hoặc chế biến gỗ dăm xuất khẩu là sự lựa chọn của người trồng rừng. Thị phần co hẹp và mức giá xuất khẩu giảm buộc DN chế biến dăm hoặc phải giảm giá thu mua nguyên liệu gỗ đầu vào từ 6 - 8%, hoặc phải chấp nhận cắt giảm lợi nhuận nhằm duy trì thị trường.
Ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên khuyến khích phát triển dăm gỗ. Thực tế, cũng rất dễ nhìn nhận ra vấn đề thua thiệt. Đơn cử, như trong năm 2015, xuất khẩu dăm gỗ trên 8 triệu tấn, sử dụng khoảng 16 triệu m3 nguyên liệu gỗ, đạt kim ngạch gần 1,2 tỷ USD.
Trong khi đó, xuất khẩu đồ mộc tinh chế chỉ sử dụng khoảng 7 triệu m2 gỗ nguyên liệu, nhưng đã tạo ra tổng giá trị xuất khẩu xấp xỉ 6 tỷ USD. Do vậy, việc giảm thuế hay hoãn thu thuế xuất khẩu dăm gỗ để gỡ khó cho các DN có thể sẽ chưa được các cơ quan chức năng tính đến trong tương lai gần.
Vậy bài toán nào cho sự tồn tại ngành chế biến xuất khẩu dăm gỗ trong nước? Càng khó khăn hơn khi chủ trương “giải cứu” ngành xuất khẩu dăm gỗ cũng chưa thật sự rõ ràng.
Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù đánh giá cao đóng góp của xuất khẩu dăm gỗ trong việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng nông lâm. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là ngành dăm quan trọng nhưng quan trọng hơn là ngành công nghiệp chế biến gỗ, chế biến xuất khẩu các sản phẩm sâu.
Trong bối cảnh, xu hướng giảm cầu dăm gỗ trên thị trường thế giới chưa có dấu hiệu chững lại, để thoát khỏi những khó khăn đang bủa vây, một số DN xuất khẩu dăm gỗ ở khu vực miền Trung đã và đang chuyển hướng để thích nghi hơn với thị trường.
Theo đó, một số DN chuyển sang sản xuất gỗ MDF, hoặc viên nén năng lượng tái tạo (viên nén gỗ). Đây là hai nhóm ngành được đánh giá có thị trường tương đối mở trong thời gian tới. Trong đó, viên nén năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng tái tạo có nguồn gốc sinh học, được dùng làm chất đốt trong sản xuất công nghiệp và dân dụng có thể thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống.
Hiện, các nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, châu Âu... nhu cầu sử dụng loại nguyên liệu đốt này đang phát triển mạnh và ngày càng tăng cao. Đặc biệt, với các hiệp định như TPP, DN phải đảm bảo nguyên tắc nguồn gốc nội khối của nguyên liệu gỗ, đây là một ưu thế lớn đối với DN tại khu vực miền Trung khi nguồn nguyên liệu cho chế biến dăm gỗ được chuyển sang để sản xuất gỗ MDF, hoặc viên nén năng lượng tái tạo.