Liên kết APEC thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ
Công nghiệp hỗ trợ và chính sách trên bàn giấy | |
Vốn cho công nghiệp hỗ trợ thế nào? | |
Công nghiệp hỗ trợ chưa thoát ly FDI |
Phát triển bền vững và mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) không những giúp Việt Nam tạo công ăn việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, mà còn góp phần củng cố nội lực của một nền kinh tế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt thu hút vốn đầu tư nước ngoài, là một trong những lựa chọn chiến lược của nhiều nền kinh tế thành viên APEC, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, với nhu cầu sản xuất ngày càng gia tăng.
“Một trong những trụ cột ưu tiên và xuyên suốt của APEC thời gian qua cũng như APEC 2017 là tập trung thúc đẩy liên kết và hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn, tạo đà và động lực cho các nền kinh tế thành viên hội nhập sâu sắc hơn vào các chuỗi cung ứng, sản xuất, giá trị khu vực và toàn cầu, tăng cường tính kết nối giữa các thể chế kinh tế khu vực cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho phát triển kinh tế của từng thành viên”, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), Trương Thanh Hoài nhìn nhận.
Ảnh minh họa |
Các hoạt động của APEC ngày càng đi vào cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên như thiết lập chuỗi cung ứng tin cậy (cải thiện hiệu quả của chuỗi cung ứng thêm 10% vào năm 2015), tạo điều kiện cho DN, bao gồm các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMEs) tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các nền kinh tế thành viên; các hoạt động xây dựng năng lực, chia sẻ kinh nghiệm và thông lệ tốt giữa các nền kinh tế thành viên APEC.
Cùng với đó, các chính sách của Việt Nam cũng đang gia tăng khả năng giúp các DN tham gia các chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực hội nhập khu vực. Điều này có thể nhìn thấy từ chiến lược phát triển với việc coi CNHT là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Để góp phần vào thành công chung trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành những chính sách quan trọng để phát triển ngành CNHT với rất nhiều hỗ trợ và ưu đãi dành cho các DN về: Chính sách hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển; chính sách về hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ; chính sách hỗ trợ để phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ trong hợp tác quốc tế về CNHT; hỗ trợ phát triển thị trường...
Các chính sách ưu đãi phát triển CNHT, các DN được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, các dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc Danh mục ưu tiên phát triển được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước; Được vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với mức lãi suất cho vay theo trần lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại từng thời kỳ. Ngoài ra doanh thu của sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được lựa chọn kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, theo năm, khai tạm tính theo quý…
Riêng với DNNVV còn được vay tối đa 70% vốn đầu tư tại các TCTD trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV theo quy định. Được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
“Việc Việt Nam phát triển một cách bền vững và mạnh mẽ ngành CNHT không những tạo công ăn việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, mà còn góp phần củng cố nội lực của một nền kinh tế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt thu hút vốn đầu tư nước ngoài, là một trong những lựa chọn chiến lược của nhiều nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, với nhu cầu sản xuất ngày càng gia tăng”, ông Hoài cho biết.
Nhất là trong bối cảnh chuỗi sản xuất toàn cầu, với trình độ phát triển và lợi thế khác nhau, mỗi nền kinh tế đều nỗ lực hết mình để tối ưu hóa các nguồn lực, xác định và định vị mình trong sân chơi chung rộng lớn này. Và mỗi nền kinh tế với quy mô, trình độ phát triển khác nhau có thể định nghĩa ngành CNHT khác nhau để phù hợp với điều kiện phát triển cụ thể.
Với Việt Nam, đánh giá của các chuyên gia kinh tế cho thấy lĩnh vực này rất rộng mở khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định số 68/QĐ-TTg năm 2017 về Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025 và Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg về Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển CNHT. Theo đó, sẽ phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 cung ứng được 35% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển.
Đến năm 2025, cung ứng được 55% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó là phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75-80%.
Với lĩnh vực CNHT cho công nghiệp công nghệ cao, Chính phủ cũng tập trung phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời với đó là phát triển hệ thống DN cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Hình thành các DN bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển DN sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.
Những chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN này được kỳ vọng tạo nhiều cơ hội mới cho DN Việt Nam tiếp cận và tận dụng các định hướng phát triển mới về CNHT trong tương lai.