Vốn cho công nghiệp hỗ trợ thế nào?
VietinBank: Tiếp sức cho công nghiệp hỗ trợ | |
Công nghiệp hỗ trợ chưa thoát ly FDI | |
Ngân hàng với phát triển công nghiệp hỗ trợ |
Trong khi các DN ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang than phiền về việc thiếu vốn để đầu tư vào, thì nguồn vốn từ các quỹ tài chính nhà nước được lập ra để hỗ trợ DN lại không hỗ trợ được nhiều.
“Công nghiệp hỗ trợ như chân núi”
Với một hình ảnh ví von, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đã mô tả CNHT như chân núi, còn các ngành lắp ráp là ngọn núi, chân núi càng vững chắc thì nền tảng của ngành công nghiệp sản xuất càng vững. Hình ảnh đó đã thể hiện rõ vai trò quan trọng của ngành CNHT đối với một nền kinh tế như thế nào. Tuy nhiên, điều đáng buồn là ngành CNHT Việt Nam hiện nay mới chỉ ở mức sơ khai.
Hiện tại, cả nước có khoảng 1.400 DN tham gia vào lĩnh vực CNHT, chiếm khoảng 0,3% tổng số DN của cả nước. Con số đó là quá nhỏ so với các nước khác, khi đáng lẽ ra các DN này sẽ phải đóng vai trò là một trụ cột của nền kinh tế, theo ông Lực.
Hơn nữa, ngay cả số lượng DN hiện tại cũng không đáp ứng được đòi hỏi của các tập đoàn đa quốc gia có nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Cho đến nay, dù đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ được đưa ra, nhiều quỹ được thành lập, nhưng ngành CNHT ở Việt Nam vẫn chỉ ở mức sơ khai. Tỷ lệ nội địa hóa ở một số ngành như công nghiệp ô tô và điện tử mới chỉ ở mức từ 10%-20%, còn ở ngành dệt may, ngành được cho là có thế mạnh nhất của Việt Nam cũng chỉ ở mức 50%.
Quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ là động lực thúc đẩy CNHT |
Có nhiều lý do khiến cho ngành CNHT vẫn chưa phát triển được, trong đó thiếu vốn luôn là lý do được các DN nêu ra hàng đầu. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thăng Long Tech, chia sẻ rằng trong suốt 20 năm gắn bó với ngành CNHT, ông mong ước xây dựng được một nhà máy chế tạo và lắp ráp các thiết bị tự động hóa để cung cấp cho các nhà máy sản xuất điện tử ở Việt Nam. Tuy nhiên ông không thể thu xếp được nguồn vốn cho dự án này.
Thừa nguồn vốn?
Theo Bộ Tài chính, hiện tại cả nước có khoảng 40 quỹ tài chính dùng ngân sách nhà nước được lập ra để hỗ trợ vốn cho DN. Phần lớn các quỹ này sẽ hướng vào hỗ trợ các DNNVV như Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Số lượng quỹ như vậy được cho là khá nhiều, nhưng có một thực tế đáng buồn là không có mấy DN tiếp cận được với vốn vay từ các quỹ này.
“Nhìn tổng thể có rất nhiều quỹ mà mục tiêu hướng đến việc hỗ trợ, ưu đãi cho DN để phát triển sản xuất, tuy nhiên việc tiếp cận để được hưởng các ưu đãi đang rất vướng đối với DN”, ông Trần Văn Quang, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết.
Các quy định của Chính phủ về việc hình thành quỹ tài chính nhà nước đều khẳng định rõ quỹ được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, thực tế thì hầu hết các quỹ đều chỉ được mở tại Kho bạc Nhà nước. Lý do rất đơn giản là thực hiện theo Luật Ngân sách. Đây đang là vướng mắc lớn nhất khiến cả cơ quan quản lý nhà nước dù rất muốn nhưng không thể vận hành được, và các DN cũng không thể đủ điều kiện để vay.
Thực tế, có sáu nguồn vốn để các DN hoạt động trong ngành CNHT có thể tận dụng, gồm vốn từ ngân sách nhà nước, vốn từ đối tác, vốn tự có, vốn tín dụng và thuê tài chính, vốn nước ngoài và cuối cùng là thị trường vốn. Trong số đó, vốn tín dụng từ ngân hàng, các quỹ hỗ trợ, quỹ đầu tư và thuê tài chính là quan trọng nhất.
Tuy nhiên, hiện tại 75% lượng vốn cho DN đang đến từ ngân hàng, và theo ông Lực thì điều này là không tốt, “vì ngân hàng cũng là DN nên không thể hỗ trợ DN khác được”.
Tôi xin nói là vốn đang thừa ra, có hai vấn đề đó là cách chúng ta dùng chưa đúng, và không tìm được nơi dùng vốn, ông Nguyễn Đại Lai, một chuyên gia lâu năm trong ngành Ngân hàng, nhận định.
Để giải bài toán này, các chuyên gia kinh tế cho rằng các quỹ nhà nước hiện tại nên được ủy thác cho các ngân hàng thương mại cho vay thay vì để nằm tại Kho bạc Nhà nước. Điều này sẽ mang lại một thuận lợi là khả năng thẩm định và đánh giá DN của các ngân hàng tốt hơn rất nhiều so với Kho bạc Nhà nước, đơn giản là vì Kho bạc Nhà nước không có chức năng chính là cho vay.
Nhưng cách hiệu quả nhất là phải có các quỹ đầu tư mạo hiểm để sẵn sàng chia sẻ rủi ro và khuyến khích các DNNVV phát triển. “Ta cần có nhiều quỹ tư nhân hơn tham gia vào thị trường này, đặc biệt là những quỹ đầu tư mạo hiểm”, ông Lực nói.
Câu chuyện về thành công của Israel được ông Lai kể ngay tại diễn đàn cũng có thể coi là một hình mẫu hay trong việc hỗ trợ vốn cho các DN hoạt động trong ngành CNHT ở Việt Nam. Năm 1995, Chính phủ Israel dành 100 triệu USD chia đều ra làm 10 quỹ đầu tư mạo hiểm và tuyên bố rằng nếu ai bỏ ra 15 triệu USD để khởi nghiệp, nhà nước sẽ cùng đầu tư vào 10 triệu USD. Đến khi DN có lãi và phát triển, Chính phủ sẽ rút số vốn đó ra và đi đầu tư vào DN khác, tất nhiên nếu lỗ thì Chính phủ sẽ cùng chịu rủi ro.
“Đến bây giờ từ 10 quỹ ban đầu đã hình thành lên 240 quỹ đầu tư mạo hiểm tại đất nước rất nhỏ bé đó. Và nước ta đang nhập về từ Israel nhiều công nghệ và sản phẩm đặc biệt là công nghệ cao trong nông nghiệp”, ông Lai nói.
Ông Lai tin tưởng rằng nếu nhà nước “chịu chơi” và lập ra những quỹ đầu tư mạo hiểm cùng chia sẻ rủi ro với DN, chắc chắn ngành CNHT của Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn.