Lựa thời điểm lên sàn
Cổ phiếu ngân hàng tăng do đâu? | |
Cổ phiếu ngân hàng: “Điểm đến” hấp dẫn | |
Chọn cổ phiếu ngân hàng nào? |
Ông Cao Sỹ Kiêm |
Cuối năm 2016, đầu 2017, một số NH đánh tiếng sẽ đưa cổ phiếu lên sàn chính thức, tuy nhiên đến nay, việc này vẫn chưa được thực hiện. Vì sao vậy? Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, lý do là các NH này thấy lên sàn lúc này chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Vì sao đây chưa phải thời điểm phù hợp để các NH lên sàn, thưa ông?
Trước hết, khi lên sàn đồng nghĩa với việc các NH nhất thiết phải minh bạch hoạt động kinh doanh, công khai báo cáo tài chính.
Mục tiêu chủ yếu của các NH khi lên sàn, bên cạnh nâng cao vị thế của NH, gia tăng giá trị cho các cổ đông, thì chính là huy động vốn. NH lên sàn vào thời điểm chưa chín muồi thường không thành công. Theo quan điểm của tôi, việc lùi lại như vậy lại tốt hơn cho NH, để họ có thêm thời gian khắc phục tồn tại, khó khăn, củng cố hoạt động để khi lên sàn phát huy và phát triển được ngay. Nếu không, hiệu quả thấp, lại là điều nguy hại.
Trong số NH từng đánh tiếng lên sàn, có những nhà băng được đánh giá tín nhiệm khá tốt, thông tin công khai minh bạch. Liệu có phải một khía cạnh khác của vấn đề là giá cổ phiếu NH đang thấp không, thưa ông?
Nếu so với các lĩnh vực khác thì giá cổ phiếu NH vẫn là cao và đang thu hút các NĐT. Thị trường chứng khoán lại đang khởi sắc hơn trước. Tôi nghĩ thuyền lên, nước lên. NH có chiến lược tốt, lên sàn thời điểm này vẫn ổn. Nhưng chắc rằng NH cũng có những nỗi niềm riêng của họ.
Có thể trong quá trình triển khai (đưa cổ phiếu lên sàn - PV), họ thấy vẫn còn những điểm chưa ổn nên chưa muốn lên sàn ngay thời điểm này. Nhìn bề ngoài mọi việc gần như đang rất tốt, nhưng tôi nghĩ không ai có thể hiểu nội tình hơn chính bản thân NH đó. Vì thế, NH phải có trách nhiệm cân nhắc thời điểm lên sàn, đảm bảo sự phát triển bền vững của mình cũng như lợi ích cho cổ đông.
Vậy theo ông, nên để các NH tự nguyện lên sàn hay có lộ trình và yêu cầu bắt buộc?
Để hệ thống NH hoạt động ngày càng minh bạch, nâng cao tính cạnh tranh thì lên sàn là yêu cầu cần thiết. Chủ trương này đã được Chính phủ đưa ra trong nhiều năm trở lại đây. Nhưng cũng phải căn cứ vào sức khỏe từng NH để đưa ra lộ trình cho phù hợp. Chứ nếu ép buộc, NH vẫn chưa khắc phục được tồn tại mà vẫn buộc phải niêm yết và giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán thì giá cổ phiếu sẽ giảm, không thu hút được NĐT, khi đó sẽ không có lợi cho NH, ảnh hưởng quyền lợi của các cổ đông. Tôi cho rằng, thời điểm các NH lên sàn phù hợp nhất là khi kết quả kinh doanh tốt, sức cạnh tranh cao, kiểm soát rủi ro đầu tư hiệu quả...
Tất nhiên, việc các NH trì hoãn quá lâu không đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán là tiền lệ không tốt. Nhất là hệ thống NH đang tiếp tục quá trình tái cơ cấu, lúc này cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt hơn, đảm bảo hội nhập sâu rộng tài chính trong khu vực, xa hơn là với thế giới. Vì thế, NH nào không đáp ứng được yêu cầu của cơ quan quản lý thì phải cấp bách củng cố. Nếu không cải thiện được phải sáp nhập hoặc là phá sản…
Ông đánh giá tiềm năng cổ phiếu NH thế nào?
Vẫn là một “địa chỉ” có tiềm năng phát triển tốt. Nhu cầu vốn của nền kinh tế rất cao, trong khi NH vẫn là kênh cấp vốn chủ lực. Doanh thu từ tín dụng vẫn chiếm hơn 80% trong cơ cấu lợi nhuận của NH. Theo đó, dự báo lợi nhuận các NH trong thời gian tới khá khả quan.
Song, các NH phải đảm bảo kiểm soát dòng tiền chảy đúng hướng. Tính tuân thủ của các NH về cấp tín dụng trong thời gian qua đã có chuyển biến tích cực. Nhưng không vì thế mà được phép lơ là. Tôi nghĩ rằng, muốn tồn tại và phát triển, các NH buộc phải tuân thủ những quy định chặt chẽ của Nhà nước trong quản trị rủi ro.
Xin cảm ơn ông!