Luật đẩy khó cho địa phương
Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam | |
Việt Nam còn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài? | |
Tạo nền tảng giúp các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam |
Những cải cách của Luật Đầu tư 2014 nhằm tạo thuận lợi cho NĐT nước ngoài sẽ khó được áp dụng suôn sẻ nếu hệ thống luật và chính sách quản lý khác chưa được sửa đổi đồng bộ. Hệ quả trước mắt là luật tạo thuận lợi cho NĐT, nhưng cuối cùng lại đẩy cái khó cho cơ quan quản lý địa phương. Một số ý kiến phàn nàn về vấn đề này đã được phản ánh sau hơn 1 năm Luật Đầu tư 2014 chính thức có hiệu lực.
Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP. Đà Nẵng. Huỳnh Văn Thanh cho biết, Luật Đất đai của Việt Nam cho phép NĐT trong nước được thuê đất của một pháp nhân khác hoặc đất quốc phòng để xây dựng dự án kinh doanh cơ sở lưu trú. Tuy nhiên, đối với NĐT nước ngoài cũng như DN có vốn đầu tư nước ngoài thì bắt buộc phải thuê đất của UBND thành phố và không được đầu tư trên đất phục vụ cho mục đích quốc phòng chưa sử dụng ngay.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên trên thực tế đã phát sinh trường hợp NĐT nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp, góp vốn vào DN Việt Nam đã hoàn tất thủ tục thuê đất. Như vậy, nếu NĐT đăng ký đầu tư vào ngành nghề kinh doanh không thuộc lĩnh vực có điều kiện đối với NĐT nước ngoài và cũng không hạn chế tỷ lệ phần vốn góp, Sở KH&ĐT phải ban hành thông báo đáp ứng đủ điều kiện góp vốn.
Trên cơ sở đó, DN sẽ nộp hồ sơ điều chỉnh đăng ký kinh doanh. Như vậy có thể nói NĐT đã có đủ điều kiện để hoạt động kinh doanh trên khu đất thuê vẫn đứng tên pháp nhân của công ty Việt Nam hoặc đất quốc phòng, trong khi điều này lại không đúng theo quy định của Luật Đất đai.
Rốt cuộc, Sở KH&ĐT sẽ là đơn vị đầu tiên chịu trách nhiệm cho việc trái với quy định này vì chủ thể thuê đất không thay đổi nên tổ chức cho thuê đất không biết được trong DN này đã có NĐT nước ngoài góp vốn. Chưa kể sau đó có thể xảy ra trường hợp khi cần sử dụng, nhất là đối với đất quốc phòng, Nhà nước sẽ thu lại phục vụ cho mục đích quốc phòng. Khi đó sẽ dẫn tới nguy cơ NĐT nước ngoài khởi kiện Chính phủ Việt Nam, do Sở KH&ĐT đã ban hành thông báo đủ điều kiện.
Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng cũng bổ sung, quy định liên quan đến các dự án đầu tư ngoài khu kinh tế có thời hạn hoạt động không quá 50 năm, hiện nay cũng đang quá “thoáng”. Câu chuyện thực tế ở Đà Nẵng là thời gian qua các NĐT nước ngoài đăng ký hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, không thuê đất của UBND thành phố mà chỉ thuê của các hộ dân hoặc DN kinh doanh bất động sản, và có tổng vốn đầu tư thấp, tuyển dụng lao động phổ thông không có tay nghề cao, nhưng lại đăng ký thời hạn thực hiện dự án lên tới 50 năm.
Qua khảo sát, Sở KH&ĐT cho rằng nhiều NĐT nước ngoài đã đăng ký đầu tư và đăng ký DN để lách Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm được cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, để đảm bảo thu hút FDI có ý nghĩa và đúng theo định hướng của Nhà nước, Sở KH&ĐT đề nghị bộ chỉnh sửa, bổ sung quyền cho cơ quan đăng ký đầu tư ở địa phương xem xét tính khả thi, khả năng đáp ứng tài chính, thời hạn đối với dự án có mức vốn thấp… để xem xét và quyết định thời hạn thực hiện dự án đầu tư.
Cũng theo nhiều địa phương, danh sách ngành nghề mà Việt Nam chưa mở cửa cho NĐT nước ngoài hiện chưa được hoàn thiện, đã gây nhiều khó khăn cho cơ quan đăng ký đầu tư.
Điểm đ, Khoản 2, Điều 10 Nghị định 118 quy định: “Đối với những ngành, phân ngành dịch vụ chưa cam kết hoặc không được quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và điều ước quốc tế về đầu tư khác mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định về điều kiện đầu tư đối với NĐT nước ngoài, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến Bộ KH&ĐT và Bộ quản lý ngành để xem xét, quyết định”.
Thời gian qua nhiều NĐT nước ngoài đăng ký hoạt động trong các lĩnh vực, dịch vụ không được quy định trong Biểu cam kết WTO và các điều ước quốc tế khác. Vì vậy Sở KH&ĐT thường xuyên phải lấy ý kiến của các bộ, ngành và đa số đều phúc đáp là “Việt Nam chưa cam kết nên không có nghĩa vụ mở cửa thị trường”.
Trong thực tế còn có trường hợp, cùng đầu tư vào một ngành, DN ở địa phương này được đồng ý, song ở địa phương khác lại bị từ chối, khiến NĐT thắc mắc còn Sở KH&ĐT không biết phúc đáp ra sao. Do đó, cơ quan đăng ký đầu tư ở địa phương cho rằng các bộ, ngành cần thống nhất và ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về các dịch vụ chưa cam kết tại Biểu cam kết WTO và các điều ước quốc tế khác. Như vậy NĐT sẽ có cơ sở để không thực hiện dự án trong lĩnh vực đó, hoặc địa phương sẽ có căn cứ để từ chối thẳng, không cần xin ý kiến của các bộ, ngành.