Việt Nam vẫn chỉ hấp dẫn nhà đầu tư châu Á
Chưa vội hút vốn lớn | |
Chuyển động mới trong thu hút FDI | |
Việt Nam tiếp tục tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài |
Sau khi đạt đỉnh năm 2015, mốc kỷ lục trong 10 năm qua với giá trị M&A ước đạt 5,2 tỷ USD, năm 2016 giá trị các thương vụ M&A lại ghi tiếp mốc kỷ lục mới đạt 5,8 tỷ USD. Mặc dù vậy, hoạt động M&A cũng đang gặp phải không ít khó khăn và nếu không có gì đột phá, giá trị M&A năm 2017 sẽ không dễ vượt qua con số 5 tỷ USD. Đó là những thông tin được đưa ra trong buổi họp báo trước thềm Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức tại Trung tâm Hội nghị GEM, TP.HCM ngày 10/8/2017, với chủ đề “Tìm bước đột phá”.
M&A có dấu hiệu trùng lại
Báo cáo của nhóm nghiên cứu MAF bao gồm những chuyên gia nghiên cứu độc lập đến từ IMAA, Diễn đàn M&A Việt Nam, Đại học Việt Nhật - VNU và một số tổ chức tư vấn M&A tại Việt Nam cho thấy: Điểm sáng của hoạt động M&A Việt Nam 2016 đến từ các thương vụ lớn trong ngành bán lẻ như thương vụ nhà đầu tư Thái Lan mua lại Big C và Metro cùng các thương vụ thoái vốn nhà nước mà điển hình là SCIC thoái tiếp vốn nhà nước tại Vinamilk cho F&N.
SCIC thoái tiếp vốn nhà nước tại Vinamilk cho F&N là thương vụ điển hình |
Tuy nhiên, các thương vụ lớn tập trung chủ yếu vào giai đoạn nửa đầu năm 2016. Từ cuối năm 2016 đến nay, thị trường bắt đầu có dấu hiệu chững lại khi chưa có nhiều thương vụ lớn và có chất lượng được công bố. Tổng giá trị M&A tại Việt Nam quý I/2017 theo IMAA mới đạt 1,1 tỷ USD (bằng 75,6% mức bình quân quý của 2016).
Đáng nói là dù tăng trưởng của thị trường M&A tại Việt Nam là đáng ghi nhận, tuy nhiên quy mô thị trường vẫn ở mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Trong khu vực, tổng giá trị M&A năm 2016 của thị trường Singapore đạt 62,3 tỷ USD, vượt xa so với mức 11-16 tỷ USD của các nước Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Thị trường Việt Nam có quy mô bằng 86,22% so với thị trường Phillippines, quốc gia có tổng giá trị M&A 2016 đạt 6,75 tỷ USD.
Thị trường Việt Nam vẫn chủ yếu là các giao dịch nhỏ với quy mô 3-4 triệu USD (tương đương 60-80 tỷ VND), các giao dịch quy mô nhỏ chiếm tới 64,16% về giá trị và chiếm tới trên 90% về số lượng thương vụ. Tổng giá trị M&A của các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 77% tổng giá trị M&A toàn thị trường. Trong đó các nước trong khu vực mà điển hình là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore vẫn là những người mua chủ yếu tại thị trường Việt Nam.
Trong khi Nhật Bản tham gia đầu tư chiến lược vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm, thì Singapore nổi lên với những thương vụ bất động sản thương mại và Thái Lan tiếp tục tập trung vào mảng bán lẻ và vật liệu-hóa chất với mục tiêu mở rộng thị trường. Hàn Quốc thực hiện một số thương vụ trong lĩnh vực thực phẩm và tài chính - ngân hàng.
“Những quốc gia dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng là những quốc gia dẫn đầu trong thị trường M&A Việt Nam, họ vẫn là các quốc gia châu Á như vậy Việt Nam vẫn chỉ hấp dẫn nhà đầu tư châu Á”, ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đưa ra phát hiện thú vị. Lý giải hiện tượng này, ông Nguyễn Quang Bảo - Phó tổng CTCK Bảo Việt cho biết, NĐT Mỹ và EU quan tâm đến Việt Nam nhưng ít thành công hơn NĐT châu Á, bởi DN Việt Nam quy mô còn nhỏ, cùng với những đòi hỏi về độ minh bạch cao và sự khác biệt về văn hoá, khiến họ phải cân nhắc.
Cần bước đột phá
“Tổng giá trị M&A tại Việt Nam quý I/2017 theo IMAA mới đạt 1,1 tỷ USD (bằng 75,6% mức bình quân quý của 2016). Nếu vẫn đà này, kỳ vọng 5 năm (2014-2018) tổng giá trị thương vụ M&A lên đến 20 tỷ USD sẽ không xảy ra, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn M&A 2017 cho biết. Tuy nhiên, thị trường đang kỳ vọng vào tiến trình thoái vốn tại Vinamilk, Petrolimex, Sabeco, Habeco, MobiFone… “Đây sẽ là những thương vụ lớn tạo nên cú hích mạnh cho thị trường và con số 20 tỷ USD sẽ đạt được, thậm chí là còn cao hơn”, ông Minh nhìn nhận.
“Trong trường hợp có sự đột biến ở những thương vụ lớn từ thoái vốn DNNN thì giá trị hoàn toàn có thể đạt mốc 6,2-6,5 tỷ USD hoặc cao hơn, (tương đương tăng trưởng thị trường 6,5-10%)”. Đây là kịch bản lạc quan của nhóm nghiên cứu MAF III.
Kịch bản còn lại là kịch bản thận trọng với giá trị M&A tại Việt Nam đạt 5 tỷ USD (tương đương mức suy giảm 14% so với năm 2016). Với kịch bản này, giá trị M&A thị trường Việt Nam duy trì ở mức trên 5 tỷ USD liên tục trong 3 năm 2015 - 2017, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đã chậm lại để chờ đợi những thương vụ mới xuất hiện, cũng như chờ đợi các động thái mạnh mẽ hơn của Chính phủ và các DN.
Cùng quan điểm như Nhóm nghiên cứu MAF III, ông Nguyễn Quang Bảo - Phó tổng CTCK Bảo Việt phân tích các thương vụ trong List 50 phản ánh xu hướng M&A trong năm 2016 - 2017 khi tập trung vào các ngành bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, bất động sản. Quan sát của ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cũng cho thấy, những năm gần đây NĐT nước ngoài đang muốn “tấn công” vào lĩnh vực bán lẻ khi Việt Nam là một thị trường vô cùng tiềm năng với gần 100 triệu dân nhưng kỹ năng bán lẻ của DN Việt còn hạn chế.
Với 95 triệu dân với tỷ trọng dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang gia tăng, thị trường Việt Nam được đánh giá là một thị trường hấp dẫn. Những động thái của các NĐT Thái Lan và Hàn Quốc gần đây cho thấy sự cạnh tranh trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam. Đây cũng là sự khởi đầu của xu hướng đầu tư, mua lại các công ty có kênh phân phối tại thị trường địa phương nhằm đưa các sản phẩm của Thái Lan và Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam với gần 95 triệu dân.
Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng được kỳ vọng sẽ xuất hiện những thương vụ lớn, đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong giai đoạn tới. Sự tăng trưởng M&A cũng có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ phát hành riêng lẻ chọn đối tác chiến lược hoặc thoái vốn của các DNNN lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các NĐT nước ngoài.