Luật Quy hoạch: Không thể có lợi ích nhóm
Dàn trải, chồng chéo, lãng phí nguồn lực
Theo số liệu thống kê của Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong giai đoạn 2011-2020, các cấp, các ngành đã xây dựng 19.285 quy hoạch các loại để phục vụ cho nhu cầu quản lý và định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quy hoạch phát triển ở Việt Nam tuy đã đạt được những kết quả ban đầu nhưng còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa thực sự trở thành công cụ quản lý hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ KH&ĐT cho biết, hệ thống quy hoạch của Việt Nam được chia thành 4 nhóm chính. Nhóm 1, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, được lập cho cấp vùng, lãnh thổ đặc biệt, cấp tỉnh, cấp huyện và do Bộ KH&ĐT là đầu mối quản lý Nhà nước. Nhóm 2, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm, được lập ở cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh và do các Bộ quản lý ngành là đầu mối quản lý Nhà nước. Nhóm 3, quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng là đầu mối quản lý Nhà nước. Nhóm 4, quy hoạch sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối quản lý Nhà nước.
Ảnh minh họa |
Việc phân công, phân cấp lập quy hoạch dàn trải giữa các bộ, ngành, địa phương như vậy đã khiến các quy hoạch này có nhiều chồng chéo, hệ thống quản lý quy hoạch chưa rõ ràng, hiệu quả quy hoạch bị giảm sút, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Ngoài ra, một số quy hoạch ngắn hạn không đảm bảo về chất lượng, thiếu tính khả thi do nhiều dự án quy hoạch xuất phát từ mong muốn chủ quan hơn là dựa trên nhu cầu chung của thị trường.
Một vấn đề khác trong quy hoạch chính là thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành với nhau và giữa các bộ, ngành với các địa phương trong quá trình xây dựng quy hoạch. Tình trạng cục bộ, ngành và tính cát cứ địa phương cùng với tư duy nhiệm kỳ đã ảnh hưởng đến công tác quy hoạch mà thể hiện rõ nhất là việc thường xuyên điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các quy hoạch.
Tích hợp để sử dụng hiệu quả nguồn lực hữu hạn
Trong bối cảnh đó, Bộ KH&ĐT đã được Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức khác liên quan nghiên cứu, soạn thảo Luật Quy hoạch trên quan điểm thống nhất lại hệ thống pháp luật về quy hoạch, khắc phục những tồn tại, hạn chế của công tác quy hoạch.
Ông Vũ Quang Các cho biết, Luật Quy hoạch sẽ điều chỉnh mạnh tay công tác lập quy hoạch hiện nay. Cụ thể là điều chỉnh các hoạt động liên quan đến quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh. Hệ thống văn bản pháp luật hiện nay đang từ 70 văn bản luật, pháp lệnh rút xuống còn 2 văn bản luật điều chỉnh về công tác quy hoạch, gồm: Luật Quy hoạch (điều chỉnh các quy hoạch cấp quốc gia đến cấp tỉnh) và Luật Quy hoạch đô thị (điều chỉnh các quy hoạch chi tiết từ cấp huyện đến cấp xã).
Bên cạnh đó, việc xóa bỏ quy hoạch sản phẩm ngành nghề cũng là điểm mới, cho thấy động thái mạnh mẽ của cơ quan soạn thảo. Ông Các cho biết thêm, việc xoá bỏ quy hoạch sản phẩm ngành nghề cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt các điều kiện kinh doanh không cần thiết đang cản trở hoạt động của DN hiện nay. Tất nhiên cơ quan soạn thảo khi đặt ra đã tính đến tính khả thi ảnh hưởng đến lợi ích nhóm, địa phương.
Mặc dù vậy, tinh thần xây dựng quy hoạch theo hướng tích hợp, xoá bỏ tình trạng mạnh ai nấy làm và trao quyền định đoạt nhiều hơn cho thị trường của Luật Quy hoạch lần này cũng vấp phải không ít ý kiến lo ngại. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, ông Đặng Huy Đông cho biết: “Đa số ý kiến đều ủng hộ tinh thần soạn thảo của luật lần này, chỉ có một số ngành còn băn khoăn nếu bỏ quy hoạch thì giờ chúng tôi làm gì”.
Song ông Đông quả quyết, nếu không tích hợp thì không thể có giải pháp tối ưu cho nguồn lực hữu hạn của đất nước mà nhiều người đều muốn sử dụng, khai thác: công dân muốn môi trường trong lành đáng sống, DN muốn nhiều đất để xây dựng... Do đó ông Đông nhấn mạnh giờ không phải là lúc tranh cãi xem lợi ích sẽ thuộc về bộ, ngành, cơ quan nào. Sản phẩm của quy hoạch là sản phẩm trí tuệ, giữa các cơ quan cùng ngồi với nhau để hài hoà lợi ích…
“Ví dụ, khi quy hoạch một thành phố phải có hội đồng đánh giá về các tác động đến kinh tế, thủy lợi, môi trường không gian sống như thế nào… Hiệu quả kinh tế - xã hội phải được xem xét, tích hợp, mang tính cọ sát cao giữa các ngành, tránh trường hợp ra công trình dự án khác, ngành khác đều có ý kiến”, Thứ trưởng Đông phân tích.
Theo Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội, dự án Luật Quy hoạch sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 10 cuối năm nay và thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2016).