Méo mó thị trường do thổi giá
Ảnh minh họa |
Theo ông hiện tượng sốt giá tại một số quận, huyện vùng ven là có thực hay chỉ là đồn thổi?
Có thể khẳng định thị trường BĐS TP. HCM đang tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như đã có tình trạng lệch pha cung cầu, chủ yếu lệch về phân khúc BĐS cao cấp, sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (chỉ riêng phân khúc BĐS cao cấp, tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp lên đến hơn 60%).
Nhất là hiện tượng "sốt giá ảo" trong phân khúc đất nền ở các quận ven và một số huyện như quận 9, quận 12, Q. Thủ Đức, Q. Bình Tân, huyện Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ. Sốt giá diễn ra ở phân khúc đất nền do hoạt động tách thửa, phân lô, hoặc đất thổ vườn, thậm chí có cả trường hợp một số khu đất nông nghiệp cũng bị phân lô bán giấy viết tay trái pháp luật.
Trong vòng một năm qua, giá đất nền đã tăng trên dưới 30%, cá biệt có khu vực giá tăng đến trên dưới 70%. Đơn cử, đất nền tại một số khu vực phân lô ở quận 9, Q. Thủ Đức, huyện Bình Chánh đã lên đến trên dưới 20 triệu đồng/m2, giá đất nền tại thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) có vị trí đã lên đến 10 - 12 triệu đồng/m2, giá đất nông nghiệp một số khu vực tại huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi đã tăng đến trên dưới 50%, đất nền mặt tiền quốc lộ 22 cũng đã lên đến trên dưới 20 triệu đồng/m2 tính đến thời điểm hiện tại.
Nguyên nhân của hiện tượng sốt đất này là do đâu, thưa ông?
Nguyên nhân chính của hiện tượng sốt cục bộ trên thị trường BĐS là do sự phát triển rất mạnh hệ thống hạ tầng đô thị, trước hết là hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố (các tuyến metro, các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường vành đai, các tuyến đường kết nối...) đã có tác động kích thích làm tăng mặt bằng giá BĐS, đặc biệt là ở khu Đông, khu Nam, khu Tây của thành phố.
Đồng thời với đó, một số tập đoàn lớn công bố thông tin đề xuất các dự án rất lớn mà khi được thực hiện sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố, nhất là khu vực các huyện ngoại thành như Tập đoàn Vingroup đã được giao đầu tư dự án Công viên động vật bán hoang dã Safari quy mô 400 ha tại Củ Chi, dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ quy mô mở rộng đến 2.000 ha; Tập đoàn Tuần Châu đã đề xuất đầu tư dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn dài khoảng 60 km, dự án thành phố mới tại huyện Củ Chi với quy mô trên 15.000 ha, dự án thành phố ven biển (Marina City) quy mô khoảng 1.000 ha tại huyện Cần Giờ... đã đẩy giá đất ở những khu vực xung quanh tăng theo.
Song, nguyên nhân sâu xa hơn của hiện tượng sốt giá cục bộ, khó kiểm soát chính là do giới đầu nậu và cò đất làm giá, thổi giá đất nền tại các quận ven và huyện ngoại thành, với thủ đoạn tung hỏa mù, lợi dụng các thành quả phát triển hạ tầng giao thông của thành phố, tung tin thất thiệt, kể cả lợi dụng các tin đồn để kích giá, thổi giá, đẩy giá, tạo sóng lướt sóng.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND của thành phố quy định về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa đối với đất ở tại nông thôn và đô thị trên địa bàn, nhưng đã bị giới đầu nậu, cò đất lợi dụng để thực hiện tách thửa, phân lô đất nền tràn lan.
Theo ông cần có những giải pháp căn cơ gì nhằm làm hạ nhiệt bớt cơn sốt giá nhà đất đang diễn ra?
Trước tiên cần sớm công bố kết quả phê duyệt các dự án hạ tầng, công trình lớn ở các khu vực để người dân hiểu rõ thông tin. Đồng thời, thành phố quy định về diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa, tạo điều kiện cho các hộ gia đình đông người có nhu cầu tách thửa ra riêng, nhưng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để tránh trường hợp lợi dụng thực hiện tách thửa, phân lô bán nền tràn lan.
Bên cạnh đó, thành phố cần chỉ đạo nghiên cứu cơ chế, chính sách để quản lý hoạt động kinh doanh BĐS của giới đầu nậu, cò đất hiện đang hoạt động với tư cách cá nhân không có đăng ký kinh doanh, có trường hợp nấp bóng người chủ đất, hoặc nấp bóng doanh nghiệp với nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn thuế, né thuế, cần được kiểm soát chặt để tránh xảy ra hiện tượng bong bóng BĐS nhưng giai đoạn trước đây, giúp thị trường phát triển lành mạnh và bền vững hơn.
Xin cảm ơn ông!