Mở rộng danh mục đầu tư
Hạn chế bắt đáy khi tín hiệu chưa rõ ràng | |
Sự tự tin của dòng vốn đầu cơ | |
Ngành nông nghiệp và khai khoáng phục hồi |
Một số công ty niêm yết trên sàn chứng khoán đã điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh của năm 2016 khiến nhà đầu tư đang phải xem xét đa dạng hóa danh mục cổ phiếu đầu tư.
Dù chưa công bố hết kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016, nhưng nhóm ngành dầu khí được dự báo là có kết quả khá ảm đạm, một số công ty có mức lỗ lên tới vài trăm tỷ đồng. Trường hợp CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2016 với doanh thu đạt 1.517 tỷ đồng giảm 33% so với cùng kỳ (6 tháng 2015 tăng 317 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế giảm hơn 192 tỷ đồng. Theo DN này nếu tính cả tác động tỷ giá thì lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty được cho là giảm tới 349 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh một số công ty niêm yết được cho không như kỳ vọng |
Ở các DN phân phối như GAS, PGS, CNG và PVG, dù có cải thiện về doanh thu, nhưng nhìn về tăng trưởng, phân khúc khí vẫn đang chịu sức nặng từ những con số tăng trưởng âm, chỉ duy nhất PVG đạt được mức tăng trưởng dương về doanh thu (tăng 3,7%) so với cùng kỳ. Gần đây một DN trong lĩnh vực này đã trấn an nhà đầu tư bằng thông báo DN đang lên phương án điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của 6 tháng cuối năm để cải thiện tình hình.
Trường hợp khác, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) cũng công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2016, ghi nhận doanh thu giảm 10,4% so với cùng kỳ. Nếu so với cùng kỳ, hợp đồng kinh doanh khai thác cảng của DN này trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Nguyên nhân là sự ra đời của các cảng mới (đáng chú ý là Vip-Greenport cuối năm 2015) và bức tranh kinh tế toàn cầu đặc biệt là Trung Quốc vẫn còn khó khăn tác động khá mạnh lên sản lượng hàng hóa thông quan qua cảng Hải An. Ngoài ra, sự thay đổi về cơ cấu nguồn hàng - trong đó tỷ trọng hàng hóa xuất nhập khẩu giảm (giá cước nâng hạ tốt hơn hàng nội địa) cũng ảnh hưởng lên nguồn thu của DN.
Hơn nữa tình hình biên mậu và diễn biến hàng thực phẩm lạnh ổn định khiến nguồn thu đóng góp từ dịch vụ lưu giữ và nâng hạ cho loại hàng hóa này ở các cảng khu vực Hải Phòng thấp hơn so với cùng kỳ. Ước tính tổng sản lượng thông quan qua cảng Hải An cả năm 2016 sẽ giảm nhẹ 8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 140 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ.
Một số DN niêm yết trong thời gian qua có kết quả không mấy khả quan đều điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Cá biệt có khá nhiều DN đã quyết định giảm tới từ 50% - 70% kế hoạch kinh doanh cả năm. Thế nên, với những DN niêm yết có kết quả kinh doanh không mấy khả quan đang bị nhà đầu tư xem xét trong việc nên đầu tư tiếp hay rút vốn. Do kết quả kinh doanh không tốt, làm cho thị giá trên cổ phiếu (EPS) giảm tương ứng. Ví như cổ phiếu cao su Phước Hòa, vừa qua nhiều nhà đầu tư đã rút ra để tìm kiếm cơ hội trên cổ phiếu khác, do lợi nhuận trước thuế của công ty này giảm 16% trong nửa đầu năm nay.
Ngoài ra, PVS cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2016 khá ảm đạm. Doanh thu và lợi nhuận của DN này lần lượt đạt 4.809 tỷ đồng (giảm 36,0%) và 393 tỷ đồng (giảm 29,1%) so với cùng kỳ. Phân khúc cảng và cơ khí, hai mảng được nhà đầu tư đánh giá cao trong báo cáo gần nhất của PVS và kỳ vọng sẽ là trụ đỡ chính cho hoạt động của DN.
Nhưng kết quả hai mảng trên đều có mức sụt giảm tương đối tiêu cực khi doanh thu lần lượt là 312 tỷ đồng (giảm 45,6%) và 2.120 tỷ đồng (giảm 34,9%) so với cùng kỳ. Điểm đặc biệt là phân khúc cảng phải hứng chịu mức lỗ khoảng 5 tỷ đồng trong khi biên lợi nhuận của hoạt động cơ khí giảm chỉ còn 6,0% (từ 8,9% trong quý II/2015). Do các dự án trong ngành này đang gặp khó khăn về vốn cũng như trong tình trạng trì hoãn kéo dài và phải điều chỉnh đơn giá xây lắp.
Theo giới phân tích, nhà đầu tư nên cẩn trọng mua đón đầu cổ phiếu trước khi thông tin chính thức được bung ra. Nếu có, nhà đầu tư cần xem xét và so sánh kỹ các chỉ số hoạt động của công ty ở những năm trước để tránh mua vào cổ phiếu giá cao, bán ra giá thấp.