Mua sắm xuyên biên giới
DN ngày càng quan tâm đến TMĐT | |
Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng mạnh |
Yêu công nghệ và hàng điện tử, anh Đào Việt Cường (Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên tìm kiếm, mua sắm mặt hàng này tại các trang thương mại điện tử (TMĐT) nước ngoài, đặc biệt là từ thị trường Mỹ.
“Sản phẩm được rao bán trên các trang TMĐT uy tín như eBay, Amazon… luôn đảm bảo về chất lượng, nguồn hàng đa dạng, đặc biệt là có những chương trình giảm giá lớn, có mặt hàng giảm giá đến 80%. Chính vì vậy, tôi thường đặt hàng thông qua một số đơn vị trung gian và nhận được các mặt hàng đúng với sản phẩm đã đặt”, anh Cường chia sẻ.
Ảnh minh họa |
Trên thực tế, với giao dịch TMĐT xuyên biên giới ngày càng phổ biến, theo sau sự bùng nổ của smart phone và internet, nên những giao dịch như của anh Cường cũng ngày càng phổ biến, được nhiều đơn vị làm dịch vụ hỗ trợ. Riêng tại Việt Nam, có thể thấy mua sắm xuyên biên giới là một xu hướng đang lên.
Một trong những website TMĐT xuyên biên giới đầu tiên tại Việt Nam, đang được người tiêu dùng ưa chuộng hiện nay là WeShop.com.vn. Khách hàng thông qua WeShop Việt Nam có thể mua hơn 200 triệu sản phẩm từ các thương hiệu quốc tế như Forever 21, Topshop, H&M... hoặc những món đồ được bán trên Amazon, eBay hay GMarket…
Đại diện của WeShop khẳng định, WeShop cung cấp một quy trình hỗ trợ mua sắm xuyên biên giới hoàn chỉnh nhất, cho phép người tiêu dùng Việt Nam trải nghiệm mua sắm trực tuyến từ nước ngoài đơn giản như mua trong nước. WeShop chọn lọc hàng hóa từ các website TMĐT tại các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... và đăng tải trên wesite WeShop.com.vn. Trang web này sẽ tập trung quảng cáo các sản phẩm khuyến mãi lớn, không có hoặc giá rẻ hơn mua tại Việt Nam đến người tiêu dùng toàn quốc.
Hay một mô hình TMĐT xuyên biên giới khác là Fado.vn cũng đang tiên phong trong việc giúp người tiêu dùng Việt Nam giao thương hàng hóa với thế giới dễ dàng và không khoảng cách. Đại diện Fado cho biết, thời gian qua Fado.vn giúp khách hàng tiếp cận hơn 800 triệu sản phẩm chính hãng từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là từ Mỹ, Đức, Nhật…
Theo đó, tại Việt Nam, nếu muốn mua hàng trên Amazon.com hay từ các website của nước ngoài chỉ cần thông qua Fado là có thể trải nghiệm mua hàng xuyên biên giới như là mua tại một trang TMĐT trong nước, không vướng phải thủ tục mua và vận chuyển hàng hóa khó khăn, nhiêu khê và bất tiện.
Giá sản phẩm khi mua thông qua Fado bằng với giá mua trực tiếp trên Aamazon.com tại Hoa Kỳ. Do Fado là đơn vị thực hiện dịch vụ hoàn tất đơn hàng trọn gói quy mô lớn, từ thanh toán, vận chuyển, thông quan, đổi trả… nên chi phí thấp hơn khách mua lẻ. Hơn nữa, khách hàng được đảm bảo quyền lợi và tránh được những rủi ro trong giao thương quốc tế.
Sức hấp dẫn của TMĐT xuyên biên giới đang khiến số lượng các giao dịch loại này này tăng lên nhanh chóng. Theo khảo sát của Cục TMĐT & CNTT (Bộ Công Thương), TMĐT xuyên biên giới đang chiếm tỷ lệ 21% trong tổng doanh thu TMĐT toàn cầu. Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho rằng, TMĐT xuyên biên giới sẽ đem lại lợi ích lớn hơn cho cả người bán và người mua trên thế giới, giúp họ xích lại gần nhau hơn. Đây cũng chính là xu hướng chủ đạo tiếp theo của TMĐT toàn cầu.
Nhìn thấy tiềm năng của lĩnh vực này, nhiều DN TMĐT trong nước cũng đã mở hướng kết nối hàng Việt Nam với thị trường thế giới thông qua các cổng TMĐT xuyên biên giới. Chẳng hạn như Fado.vn đã mở rộng hoạt động, phát triển mạng lưới hỗ trợ những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tiến vào thị trường Mỹ thông qua sàn giao dịch quốc tế Amazon.com. Theo đó, các DN Việt sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng có thêm sự lựa chọn đáng tin, đơn giản và nhanh chóng để thẳng tiến vào thị trường thế giới.
Tuy nhiên, theo khảo sát của VECOM, hiện đang có sự không cân bằng trong giao dịch trực tuyến qua biên giới giữa nhập khẩu và xuất khẩu với khách hàng cá nhân. Khách hàng cá nhân Việt Nam mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến từ nước ngoài nhiều hơn so với khách hàng cá nhân nước ngoài mua sản phẩm trực tuyến từ Việt Nam.
Nguyên nhân có thể do hàng hóa của nước ngoài phong phú, đa dạng, phù hợp với một bộ phận lớn người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là giới trẻ thành thị. Trong khi đó, phần lớn DN Việt, đặc biệt là các DNNVV, chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu tìm hiểu thị hiếu khách hàng nước ngoài để bán hàng trực tiếp, không qua các nhà phân phối trung gian… Đây là điểm rất quan trọng mà các DN Việt nếu muốn phát triển thị trường ngoài nước cần quan tâm, tìm giải pháp thay đổi.