Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng mạnh
Thói quen cản trở thương mại điện tử | |
Bài học từ các tập đoàn lớn về TMĐT |
VOBF 2017 là diễn đàn có quy mô toàn quốc lớn nhất cả nước hiện nay, là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, DN và cá nhân trao đổi về những xu hướng kinh doanh trực tuyến mới, các công nghệ nổi bật và ý tưởng kinh doanh sáng tạo. Diễn đàn cũng là nơi giới thiệu những nghiên cứu thị trường mới liên quan tới thương mại điện tử trên thế giới cũng như tại Việt Nam, giúp các DN điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp nhất.
Ảnh minh họa |
Theo ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký VECOM, diễn đàn sẽ bắt đầu với phần tổng quan về thị trường thương mại điện tử. Tiếp đó là 4 chủ đề thu hút sự chú ý của đông đảo các đối tượng liên quan đến thương mại điện tử trong năm 2017, gồm: Ảnh hưởng của công nghệ đám mây và di động đối với thương mại điện tử: Bán hàng đa kênh - Ommi chane; Thương mại điện tử qua biên giới và Khởi nghiệp trong kinh doanh trực tuyến.
Diễn giả tại chương trình là những chuyên gia uy tín đến từ các tổ chức và DN hàng đầu liên quan tới kinh doanh trực tuyến, bao gồm Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Nielsen, Google, Facebook, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Verisign, Lazada…
Chia sẻ về thị trường thương mại điện tử Việt Nam, ông Trần Đức Tâm, Giám đốc dự án Z.com cho biết, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tính đến cuối năm 2016 là khoảng 4 tỷ USD, chỉ bằng 1/30 so với mức 120 tỷ USD của Nhật Bản. Nhưng nếu xét về tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam khoảng 35%/năm, cao gấp 2,5 lần Nhật Bản và là một trong số những thị trường có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới.
Trước đó khi tổ chức tại Hà Nội, VECOM đã chính thức công bố Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2017 (EBI 2017), kết quả cho thấy nhận định như trên là đúng, nhưng không hoàn toàn tích cực khi xem xét kỹ. Khảo sát tại 3.566 DN đến từ 54 tỉnh thành trên cả nước, chỉ số này cho thấy thương mại điện tử Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, do lòng tin của người tiêu dùng còn thấp.
Bên cạnh đó, mức chênh lệch xếp hạng đang rất lớn giữa TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội với các địa phương khác. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn tiếp tục nằm ở vị trí đầu bảng trong nhóm 5 tỉnh thành dẫn đầu về EBI 2017, với chỉ số lần lượt là 78,6 và 75,8. Xếp sau đó là Đà Nẵng, Bình Dương và Hải Phòng với các chỉ số khá cách biệt, lần lượt là 52,8; 43,0; và 42,2.