Năm 2018: Sẽ loại bỏ nhiều điều kiện đầu tư, kinh doanh
Gỡ rào đầu tư trong lĩnh vực xây dựng | |
7 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực đất đai sẽ được bãi bỏ | |
Tạo điều kiện ổn định sản xuất kinh doanh |
Đặt mục tiêu cải thiện đáng kể về thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng của thế giới, đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN-4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh, một trong những mục tiêu Chính phủ đặt ra trong năm 2018 là tập trung cải cách thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, là thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với DN, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của DN.
Ảnh minh họa |
Đặc biệt trong những ngày tới, dự kiến nghị định về kiểm soát các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ được Chính phủ xem xét, ban hành nhằm tiêu nhổ tận gốc rễ giấy phép con, không để tình trạng cắt giấy phép con lại mọc ra giấy phép cháu…
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cắt giảm này tiếp tục thể hiện quyết tâm của một Chính phủ kiến tạo và đã được chuẩn bị một cách bài bản từ trước. Bởi ngay tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định với các đại biểu là “phải có nghị định kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng bãi bỏ điều kiện kinh doanh này lại mọc ra điều kiện kinh doanh khác”.
Vào hồi tháng 10 vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 98, yêu cầu các bộ, ngành rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành và thủ tục hành chính gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN. Nghị định sắp sửa ban hành trong thời gian tới cũng sẽ tiếp tục thiết lập “bộ lọc” để loại bỏ các loại giấy phép mẹ, con, cháu và còn được coi sẽ là “cỗ máy chém” tận gốc vấn nạn giấy phép con.
Kết quả từ các cuộc khảo sát thực tế cho thấy, số lượng các điều kiện kinh doanh hiện vẫn còn rất lớn, với hàng nghìn điều kiện, đang tạo rào cản hành chính, làm giảm tính cạnh tranh và sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều kiện kinh doanh, giấy phép con làm khó DN khi hiện còn có tới 5.719 điều kiện đầu tư kinh doanh được đặt ra cho 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đây là điển hình của câu nói "phép vua thua lệ làng" hay "Chính phủ thì ngày càng kiến tạo còn đội ngũ thực thi thì hành ngày càng bạo".
Chính vì vậy, theo dự kiến, nghị định của Chính phủ về kiểm soát các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh sắp ban hành sẽ đề ra mục tiêu bãi bỏ tất cả các quy định về điều kiện kinh doanh bất hợp lý và nâng cao chất lượng quy định mới ban hành vì lợi ích của DN, người dân và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo đó, nghị định sẽ nhấn mạnh một số nguyên tắc chính như: tôn trọng quyền tự do kinh doanh và sáng tạo của người dân, DN; không được soạn thảo và ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế quyền tự do kinh doanh, sáng tạo và hạn chế cạnh tranh…
Nhằm đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch khi sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh, nghị định cũng sẽ quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện công tác này như yêu cầu công khai hóa quy định về điều kiện kinh doanh, các nội dung của quy định về giấy phép kinh doanh phải được công bố đầy đủ trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN; quy định về điều kiện kinh doanh phải được thông báo đến hiệp hội DN có liên quan để thông báo cho các DN biết trước ngày có hiệu lực thi hành…
Ngoài ra, nghị định cũng đưa ra quy định định kỳ 2 năm, cơ quan đã chủ trì soạn thảo và tổ chức thi hành quy định về điều kiện kinh doanh phải tiến hành đánh giá, xem xét lại tính cần thiết, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả và tính rõ ràng của các quy định về điều kiện kinh doanh có liên quan. Sau quá trình đánh giá phải công khai kết quả theo quy định.