Gỡ rào đầu tư trong lĩnh vực xây dựng
TP.HCM: Uỷ quyền Sở Xây dựng giải quyết nhà đất công | |
Gần 10% chung cư phát sinh tranh chấp | |
Bất động sản và xây dựng bùng nổ DN mới |
Tiếp nối nỗ lực đơn giản hoá thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật của các bộ, ngành thuộc Chính phủ, Bộ Xây dựng đang chuẩn bị đề xuất chính sách sửa đổi các luật trong lĩnh vực xây dựng, gồm Luật Xây dựng năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Cùng với đó, cơ quan này cũng xây dựng dự thảo nghị định nhằm cắt bỏ nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các DN trong lĩnh vực xây dựng.
Nỗ lực sửa luật được đánh giá cao
Theo ghi nhận ban đầu tại “Hội thảo lấy ý kiến DN hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Bộ Xây dựng tổ chức ngày 13/12, việc sửa đổi đồng bộ cả 4 luật và bổ sung nghị định được cộng đồng DN và nhà đầu tư đánh giá cao.
Giải thích về sự cần thiết của việc ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật nói trên, bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng cho biết, trong quá trình thực hiện 4 luật trên và các luật về đầu tư, kinh doanh, đã bộc lộ một số bất cập, không phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể là thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng còn dài, điều kiện cấp giấy phép đối với một số đối tượng công trình chưa phù hợp với thực tiễn; một số quy định về đất ở, quyết định chủ trương đầu tư chưa bảo đảm thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không đáp ứng yêu cầu của Luật Đầu tư, điều kiện kinh doanh đối với một số ngành nghề còn phức tạp; lựa chọn tư vấn lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị chưa đáp ứng yêu cầu thực tế…
Còn nhiều chính sách cần cải thiện để có môi trường đầu tư thông thoáng hơn trong lĩnh vực xây dựng |
Trước những hạn chế của hệ thống chính sách, pháp luật xây dựng hiện tại, dự án luật sửa đổi được kỳ vọng sẽ giải quyết hàng loạt vấn đề bất cập. Ông Nguyễn Mạnh Khởi, thành viên ban soạn thảo cho biết, luật sẽ giải quyết 4 vấn đề chính sách liên quan đến đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng.
Thứ nhất là cải cách thủ tục hành chính và đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản. Thứ hai là bãi bỏ, đơn giản hoá điều kiện đầu tư kinh doanh. Thứ ba là hoàn thiện chính sách, pháp luật về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, đầu tư xây dựng, nhà ở; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan. Thứ tư là hoàn thiện pháp luật có liên quan để bảo đảm đồng bộ với chính sách mới được đề xuất tại dự án luật.
Theo các DN và hiệp hội, nhiều quy định sửa đổi nêu trong đề cương dự thảo luật và nghị định là rất đáng chú ý và được đánh giá cao vì đã thể hiện đúng tinh thần của Bộ Xây dựng là giảm bớt thủ tục hành chính cũng như điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này. Chẳng hạn quy định rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng đối với công trình từ 30 ngày xuống còn 20 ngày; bỏ quy định Bộ Xây dựng công nhận cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư; bỏ quy định phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ này…
Bên cạnh đó, ban soạn thảo cũng đã đề xuất bãi bỏ 5 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện tại Danh mục của Luật Đầu tư 2016, gồm kinh doanh dịch vụ lập quy hoạch đô thị do tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hoả táng; kinh doanh sản phẩm amiăng trắng.
Còn nhiều vấn đề bị bỏ sót
Dù đánh giá cao các sửa đổi mà Bộ Xây dựng đưa ra, song theo các DN vẫn còn nhiều vấn đề có thể cải cách mạnh hơn để tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn nữa trong lĩnh vực xây dựng. Bà Vũ Đặng Hải Yến, Công ty Luật SMIC dẫn chứng, thủ tục thẩm định thiết kế một dự án xây dựng hiện còn khá phức tạp và khó khăn. Cụ thể, 3 khâu phê duyệt thiết kế, phòng cháy chữa cháy, môi trường thuộc về 3 cơ quan khác nhau và chủ đầu tư phải tự thực hiện từng khâu này.
“Liệu có thể tập trung tất cả các bước về một cửa, DN chỉ cần nộp hồ sơ qua Sở Xây dựng? Đây là một trong những thủ tục mà nếu đơn giản hoá được, sẽ tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho DN và chủ đầu tư”, bà Yến đặt vấn đề.
Riêng trong lĩnh vực quảng cáo, thủ tục cấp phép xây dựng còn được phản ánh là nhiêu khê hơn gấp nhiều lần. Ông Trần Hùng, Hiệp hội Quảng cáo cho biết, các luật quy định tới 8 loại giấy phép cần thiết để xây dựng một công trình quảng cáo, trong đó riêng giấy phép xây dựng có 5 loại. Tuy nhiên với mỗi loại giấy phép đó lại chia nhỏ ra.
“Cứ chia lần lượt như vậy, chúng tôi thống kê phải có tới 20 loại giấy phép để cấp phép xây dựng một biển quảng cáo”, ông Hùng than thở. Thủ tục cấp phép đã phức tạp rồi, có nơi còn yêu cầu có xác nhận thẩm định của phòng cháy chữa cháy, có cầu thang thoát hiểm… quy định rất tuỳ hứng theo yêu cầu của từng địa phương.
Bên cạnh đó, thời gian qua những xu hướng đầu tư mới trong lĩnh vực bất động sản đã xuất hiện và nở rộ nhanh chóng, nhưng tới nay vẫn đang nằm ngoài quy định của pháp luật. Đơn cử là loại hình condotel và officetel. Theo các DN, hiện nay mô hình condotel đã được xây dựng và mua bán, chuyển nhượng khá rầm rộ, song khung pháp lý để điều chỉnh các hình thức đầu tư loại hình này vẫn chưa rõ ràng.
“Khách hàng của chúng tôi đã xây dựng, kinh doanh mô hình này ở rất nhiều tỉnh thành, nhưng mỗi nơi chính quyền địa phương lại hiểu khác nhau, vì vậy quy trình thủ tục cũng rất tuỳ hứng”, bà Yến nêu thực trạng.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nêu ra một vấn đề khác đang bị luật bỏ sót. Đó là quy định về việc chủ đầu tư phải thực hiện bảo lãnh thanh toán cho nhà thầu.
Theo ông Hiệp, vì chưa có quy định này nên hiện nay 100% nhà thầu đều đang bị nợ đọng xây dựng cơ bản, việc đòi được số nợ này gần như là bất khả thi vì pháp luật không có quy định, đơn vị thầu không thể giải quyết qua con đường toà án. Thực tế thời gian qua cũng đã xuất hiện rất nhiều vụ việc tranh chấp kéo dài vì thiếu quy định bảo lãnh thanh toán, mà phần thua thiệt đang rơi về phía nhà thầu.
“Quy định này chỉ phù hợp trong bối cảnh 20 năm trước, khi chủ đầu tư các công trình lớn chủ yếu là nhà nước, còn trong bối cảnh hiện nay cục diện thay đổi nhiều, đã xuất hiện rất nhiều chủ đầu tư là các tập đoàn tư nhân lớn, vì vậy cơ quan quản lý cần cập nhật để có chế tài bảo vệ các bên tham gia trên thị trường”, ông Hiệp khuyến nghị.