Năm mới, tìm cơ hội ở cổ phiếu mới
Lên sàn và “cất cánh” | |
Đầu tư cổ phiếu nào? | |
Áp lực hấp thụ lượng cổ phiếu mới |
Gần đây, cổ phiếu đáng chú ý trên UPCoM là HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HVN). Bởi HVN đã có phiên tăng thứ 3 liên tục. Như vậy, kể từ khi niêm yết, cổ phiếu này đã tăng tổng cộng 64%. Giao dịch tại HVN bắt đầu sôi động khi khối lượng khớp lệnh lên đến 764.180 cổ phiếu so với việc “cạn” thanh khoản 2 ngày trước.
Theo một số nhà chuyên môn, có lẽ một số nhà đầu tư đã thực hiện chốt lời khi nhận thấy thông tin Techcombank đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu HVN. Với mức giá 49.300 đồng/CP tại ngày 5/1, có thể thấy ngân hàng này đang lãi đến 121% sau chưa đầy 2 năm sở hữu.
Như vậy, câu hỏi sau khi những cổ đông lớn rút khỏi cổ phiếu HVN với số tiền lãi “khủng” thì giá trị của HVN có thay đổi trong tương lai hay không là điều mà nhiều nhà đầu tư mong muốn được trả lời.
Trên thực tế, theo số liệu của giới phân tích, trong số hơn 1,2 tỷ cổ phiếu HVN đang được lưu hành, 86,16% lượng cổ phiếu thuộc sở hữu của Bộ Giao thông - Vận tải, 8,77% thuộc Tập đoàn Hàng không ANA Holdings, còn Techcombank và Vietcombank lần lượt nắm 2,1% và 1,8%. Số cổ phiếu trôi nổi ước tính vì vậy chỉ khoảng 1,1%, tương đương hơn 13 triệu cổ phiếu.
Ảnh minh họa |
Theo nhận định của CTCK Bản Việt, thời điểm 2014, phiên IPO của Vietnam Airlines chưa thực sự hấp dẫn do giá chào bán tương đối cao, bằng 2,2 lần giá trị sổ sách khi đó.
Ngoài ra, tỷ lệ chào bán công khai quá thấp, chỉ tương đương 3,5% vốn điều lệ, đồng thời chưa có khung thời gian cụ thể của việc niêm yết cổ phiếu cũng có thể khiến các nhà đầu tư tổ chức băn khoăn. Thế nhưng, sau hơn 2 năm nắm giữ, những nhà đầu tư mua cổ phần Vietnam Airlines trong phiên IPO đã thu được thành quả không nhỏ.
Tính theo mức giá hiện tại thì khoản đầu tư của Vietcombank và Techcombank hiện đã có giá trị hơn 2.000 tỷ đồng, tương ứng mức lợi nhuận 80-90% so với vốn bỏ ra ban đầu.
Như đã nói ở trên, Nhà nước đang là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 86,16% cổ phần Vietnam Airlines. Lượng cổ phần trôi nổi do các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khá ít, chỉ khoảng 13,5 triệu (1,1%). Do đó, việc cổ phiếu HVN tăng nóng sau khi chào sàn là điều không quá bất ngờ, nhất là khi giá giao dịch cổ phiếu HVN trên OTC cách đây ít ngày còn lên tới 45.000 đồng/CP.
Theo lộ trình, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục giảm phần vốn của Nhà nước xuống không thấp hơn 65% vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là sau khi các cổ đông lớn bán ra cổ phiếu HVN thì giá trị của cổ phiếu này có còn giữ được nhiệt không hay sẽ rơi vào vòng xoáy tăng giảm như các cổ phiếu khác khi mà kết quả kinh doanh của HVN chưa hẳn là màu hồng.
Cụ thể, mới đây, Vietnam Airlines đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2016 với tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines và các công ty thành viên ước đạt trên 76.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% và lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ và vượt 7% kế hoạch năm. Mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế 2.500 tỷ đồng là con số kỷ lục của Vietnam Airlines từ trước đến nay.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2016 thì lợi nhuận trước thuế 9 tháng của hãng hàng không này lên tới 2.885 tỷ đồng. Như vậy nhiều khả năng Vietnam Airlines đã lỗ khoảng 400 tỷ đồng trong quý IV/2016. Vài năm gần đây, lợi nhuận của Vietnam Airlines phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố như giá nhiên liệu, biến động của tỷ giá, kết quả kinh doanh của các công ty con cũng như một số khoản thu nhập bất thường từ hỗ trợ mua máy bay hay đền bù bảo hiểm.
Trong khi đó, giá dầu dự đoán 2017 sẽ có nhiều biến động theo chiều hướng tăng. Điều này ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành sản xuất, vận tải, du lịch, trong đó có ngành hàng không.
Trên thị trường chứng khoán thế giới, quỹ Berkshire Hathaway của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng đã tuyên bố đang cân nhắc ở khoản đầu tư vào 4 công ty hàng không lớn nhất nước Mỹ: American Airline, Delta Air Lines, Southwest Airlines và United Continental Holdings. Được biết, quan điểm Buffett trong suốt một thời gian dài về các công ty hàng không là không mấy tích cực, khi ông cho rằng các công ty này phải đầu tư quá nhiều so với số tiền thu về từ hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, trên thị trường còn rất nhiều cổ phiếu ngành hàng không để nhà đầu tư có thể lựa chọn chứ không riêng gì HVN. Cụ thể, gần đây thị trường chứng kiến sự tăng điểm mạnh ở các cổ phiếu ngành hàng không (NCT, NCS, SGN, SAS), hiệu ứng của việc ACV niêm yết trên sàn UPCoM cũng chưa bao giờ hạ nhiệt. Tiếp theo HVN, Vietjet Air cũng đang có kế hoạch IPO trong thời gian sắp tới (theo tuyên bố gần nhất là năm 2017)…