Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA: Ai quyết định sai phải chịu trách nhiệm
Áp lực trả nợ đang tăng gấp đôi |
Ông Trần Hoàng Ngân |
Những thông tin mới nhất được Bộ Tài chính cho biết, tới tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ chấm dứt ODA với Việt Nam. Sau WB, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức khác có thể sẽ chuyển dần dòng vốn vay và Việt Nam sẽ không còn tiếp cận vốn ODA ưu đãi như trước.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, khi trở thành nước thu nhập trung bình, không chỉ vốn ưu đãi cho Việt Nam giảm theo mà chi phí vốn trước đây chỉ khoảng 1% thì nay gấp đôi, cỡ khoảng 2%. Về thời gian vay, nếu trước đây được vay 30-40 năm thì nay chỉ khoảng 20-25 năm, nhiều tài trợ thậm chí chỉ 15 năm.
Không chỉ chi phí vay đắt đỏ mà áp lực trả nợ đang tăng nhanh gấp đôi. Điểm rơi trả nợ nhiều nhất của Việt Nam vào khoảng năm 2022-2025. Trước đây thời gian vay bình quân khoảng 40 năm nhưng hiện nay bình quân khoảng 12,5 năm.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho hay, trong khoản 15 tỷ USD vốn ODA dành cho địa phương, có tới 92,2% là cấp phát và chỉ 7,8% là khoản cho vay lại. Để khắc phục tình trạng vốn ODA như "cho không" các địa phương, sắp tới Bộ Tài chính sẽ chia các địa phương thành 5 nhóm với tỷ lệ vay lại ODA và được cấp phát rõ ràng.
Theo đó, sẽ có 3 nhóm các địa phương còn khó khăn, phải nhận trợ cấp của Nhà nước và 2 nhóm các nơi có thể điều tiết lại ngân sách Nhà nước. Các tỉnh khó khăn nhất sẽ được áp dụng tỷ lệ vay lại vốn ODA chỉ là 10% và vẫn cấp phát khoảng 90%. Một số địa phương khác sẽ có tỷ lệ vay lại khoảng 20-30%. Một số địa phương có thể áp dụng cơ chế 50-50, nghĩa là Nhà nước hỗ trợ 50%, địa phương tự vay lại 50%. Riêng với Hà Nội, Sài Gòn dự kiến sẽ áp dụng tỷ lệ 80-20, nghĩa là Nhà nước hỗ trợ 20%, địa phương tự vay lại 80%.
Trao đổi với Thời báo Ngân hàng bên hành lang Quốc hội, TS. Trần Hoàng Ngân, đại biểu TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một trong những nội dung quan trọng mà Chính phủ đang quan tâm.
Khi thu nhập bình quân đầu người vượt qua mốc trên 1.000 USD, Việt Nam sẽ không còn là nước có thu nhập thấp. Hiện GDP bình quân đầu người của ta là 2.109 USD nên nếu hiện nay những khoản vay ưu đãi này được vay dài hạn 30 – 40 năm với lãi suất 0,5 – 0,8% thì đến năm 2017 sẽ phải vay với lãi suất 2 – 3%, thời gian chỉ khoảng 15 – 17 năm.
“Mỗi năm nước ta giải ngân nguồn vốn này khoảng 4,2 – 4,5 tỷ USD và những năm vừa rồi, nguồn vốn này rất lớn, góp phần giúp tăng trưởng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết mạng lưới về giao thông, đem lại nhiều lợi ích nhưng tính hiệu quả của nó, nếu ta quản lý chặt hơn, giảm xin cho thì sẽ đem lại những hiệu quả tốt đẹp”, ông Ngân nói.
Thế nhưng, trước những khó khăn mới, vấn đề ODA cần được quan tâm và kiểm soát. Sắp tới đây, vốn ODA sẽ xem đến vấn đề Chính phủ vay, sau đó chuyển cho các địa phương. Địa phương phải thông qua hội đồng nhân dân để từ đó xem xét, cân nhắc, coi dự án đó có thực sự mang lại hiệu quả, thực sự cần thiết hoặc cấp thiết hay phù hợp với đời sống nhân dân mới được HĐND phê duyệt.
Trên thực tế, ở nhiều địa phương đời sống nhân dân còn khó khăn nhưng lại xây những trụ sở vừa to, vừa đẹp. Dư luận có đặt vấn đề việc xây dựng này có thực sự cần thiết hay không. Phản ánh của nhiều cử tri cho biết, bản thân người dân cũng rất ngại khi bước vào các cơ quan đó. Vậy có thực sự cấp thiết xây dựng trụ sở đó hay không mặc dù nhu cầu có một trụ sở khang trang là cần thiết.
“Cho nên phải chuyển các khoản vay này về địa phương, gắn trách nhiệm của địa phương, gắn với Luật Đầu tư công để ai đưa những quyết định sai thì phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Đây là giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, đặc biệt là đầu tư công trong việc sử dụng nguồn vốn”, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết.
Tuy nhiên, dư luận cũng đặt câu hỏi việc các địa phương phải vay lại thay vì ưu đãi như trước đây liệu có góp phần hạn chế các dự án chậm tiến độ hay không. TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, đây là điều thực sự cần thiết, giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình bởi có sự tham gia thêm của đại biểu hội đồng nhân dân.
Và vì vay là phải trả nên khi vay sẽ có cân nhắc, có suy nghĩ, tính toán, có xét đến tính hiệu quả và sự cấp thiết. Còn nếu xét dưới góc độ cấp phát thì người ta sẽ dễ dãi hơn trong sử dụng nguồn vốn. Thậm chí dễ dãi với người xây dựng, dễ dãi với các công trình, dẫn đến nhiều công trình xây xong để đó.