Nâng cao năng lực logistics miền Trung
Cần thay đổi nhận thức để thích ứng | |
Khuyến khích tư nhân tham gia mạnh hơn vào vận tải và kho vận | |
Nhiều chính sách hỗ trợ ngành logistics |
DN tiết giảm chi phí
Quay trở lại với thời gian khi CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco), mới chân ướt chân ráo ra xây dựng, đầu tư nhà máy ở Quảng Nam, DN phải đối mặt với vô vàn khó khăn.
Trong đó, nổi lên việc vận chuyển hàng hoá phục vụ sản xuất tốn kém nhiều chi phí. Theo đó, thông thường hàng hoá từ Hàn Quốc phải về TP. Hồ Chí Minh, sau đó mới chuyển về Chu Lai. Những chuyến di chuyển này đã dẫn đến chi phí tăng gấp 2 lần, tốn thời gian khá nhiều.
Thaco sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng cảng Chu Lai - Trường Hải |
Sau khi đưa nhà máy sản xuất xe bus, xe du lịch KIA vào hoạt động, Thaco đã quyết định đầu tư xây dựng cảng Chu Lai - Trường Hải. Sau 2 năm đầu tư, công trình đã đáp ứng được nhu cầu của DN với chiều dài cầu cảng 300m, có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 tấn và trên tổng diện tích 40ha (44.000m2 bãi container, 70.000m2 kho ngoại quan, kho hàng và kho chất lỏng) với tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng…
Bên cạnh, Thaco cũng đã đưa vào hoạt động 2 con tàu có tải trọng 15.000 tấn với sức chở hơn 1.000 TEU hoạt động trên tuyến Phòng Thành (Trung Quốc) - Chu Lai và TP. Hồ Chí Minh - Chu Lai.
Từ đây, DN hình thành chuỗi dịch vụ logistics trọn gói, bao gồm, vận tải cảng biển, vận tải đường bộ và kho bãi. Năm 2014, khoảng 450.000 tấn qua cảng Chu Lai - Trường Hải, năm 2015 gia tăng lên 950.000 tấn và dự kiến đạt 1.350.000 tấn trong năm nay.
Tại lễ khai trương tuyến hàng hải quốc tế Hàn Quốc - Chu Lai, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco cho rằng, điều này không chỉ giảm được chi phí vận chuyển mà còn đánh dấu bước ngoặt đưa cảng Chu Lai - Trường Hải trở thành cảng xuất khẩu trực tiếp của Quảng Nam, trước mắt là đi Hàn Quốc.
Sự kiện này cũng có ý nghĩa rất lớn đối với Thaco, bởi sau hơn 14 năm đầu tư, phát triển tại Chu Lai, đến hôm nay mới đạt được sản lượng đủ lớn và ổn định để thiết lập được tuyến vận chuyển này, từng bước giải quyết được bất cập về logistics và góp phần xúc tiến đầu tư sản xuất tại Chu Lai nói riêng và Quảng Nam nói chung.
Tương tự, theo ông Sun Yong Li, Tổng giám đốc hãng tàu SITC, chuyến tàu từ cảng Incheon đến Chu Lai được thực hiện chính là nhờ vào sản lượng đủ lớn của Thaco, bảo đảm hàng hoá cho tuyến vận tải đường biển này.
Địa phương hưởng lợi
Cảng Chu Lai - Trường Hải với ưu điểm là cảng biển kín gió, gần Quốc lộ 1A và nối với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Cảng được đầu tư xây dựng theo mô hình cảng hiện đại với kết cấu bến liền bờ, bằng công nghệ cừ larsen tiên tiến, rất phổ biến tại các quốc gia trên thế giới… Cùng với đầu tư mở rộng sản xuất tại Quảng Nam, Thaco cũng đã tập trung phát triển hoạt động dịch vụ logistics nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất và giảm giá thành.
Thực tế, việc phát triển dịch vụ logistics đã phục vụ và góp phần phát triển sản xuất kinh doanh của Thaco trong những năm qua. Hiện, Thaco logistics đang phục vụ cho các tập đoàn lớn như, KIA, Hyundai, Foton, Mazda, hay các DN trong nước như Sabeco, Prime, Hòa Phát…
Với việc khai trương tuyến hàng hải mới này, ngoài các chuyến hàng từ Hàn Quốc, các hãng tàu khác cũng sẽ từ các cảng Trung Quốc, Nhật Bản về trực tiếp cảng Chu Lai - Trường Hải. Điều này mở ra cơ hội giao thương hàng hóa từ Khu KTM Chu Lai đến các cảng biển lớn trên thế giới và ngược lại.
Đặc biệt, bên cạnh đó Thaco còn tuyên bố mở rộng cảng Chu Lai - Trường Hải với 170m cầu cảng về phía thượng lưu đạt tổng chiều dài gần 500m, có vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 2/2017…
Theo nhiều chuyên gia việc khai trương tuyến hàng hải, không chỉ mang lại những lợi ích cho Thaco mà cho nhiều DN đang hoạt động tại KKT Chu Lai cũng như các DN khác tại các KKT cận kề như, KCN Dung Quất, KCN VSIP…
Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải, những sự kiện xung quanh lĩnh vực logistics này chính là dấu son, mở ra tiến trình hội nhập của Quảng Nam để hàng hóa khu vực này tiết giảm chi phí vận chuyển, giá thành, tăng khả năng cạnh tranh cho Chu Lai nói riêng và cả Quảng Nam, đồng thời góp phần tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư đến với địa phương, mở ra những cơ hội mới để thu hút đầu tư.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc hình thành tuyến hàng hải quốc tế Hàn Quốc - Chu Lai sẽ rộng đường mở những tuyến vận tải quốc tế trực tiếp từ Nhật Bản, Trung Quốc và cộng đồng các nước ASEAN đến Quảng Nam và khu vực miền Trung, giúp các nhà đầu tư vào Quảng Nam tiếp nhận dịch vụ vận tải hàng hóa quốc tế rẻ, tiện ích, góp phần hạ giá thành sản phẩm, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Chu Lai và cả khu vực miền Trung…
Tạo điều kiện cho Thaco đầu tư logistics, chính quyền tỉnh Quảng Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, khi chủ động gặp gỡ, giải quyết những yêu cầu chính đáng của nhà đầu tư.
Ngoài việc lên kế hoạch nạo vét luồng dẫn để đón tàu lớn hơn vào cảng, ông Đinh Văn Thu cũng đã yêu cầu các cơ quan như, Cục thuế, Hải quan, Cảng vụ phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết nhanh chóng các thủ tục, tạo sự thông thoáng trong giao thương hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế, góp phần duy trì ổn định và phát triển dịch vụ logistics ở khu vực miền Trung…