Cần thay đổi nhận thức để thích ứng
Khai thác tiềm năng, phát triển logistics | |
Khuyến khích tư nhân tham gia mạnh hơn vào vận tải và kho vận | |
Nhiều chính sách hỗ trợ ngành logistics |
Ảnh minh họa |
Ngành vận chuyển hàng hóa đa phương thức đang dần có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm của Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia thì ngành này đang trở thành ngành kinh tế tiềm năng của Việt Nam, nhất là sau khi nước ta tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do với các nước và tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, trước sức ép hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng như hiện nay, các DN hoạt động trong lĩnh vực này đang gặp phải nhiều thách thức lớn.
Ông Tô Văn Hiệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Saigonship Đà Nẵng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng cho rằng, đứng trước cơ hội hội nhập sâu rộng vào không gian kinh tế khu vực và thế giới, ngành vận tải hàng hóa, trong đó bao gồm cả dịch vụ logistics sẽ không tránh được những tác động bất lợi.
Do đó, nếu không chủ động hợp tác, đổi mới công nghệ, đầu tư phát triển nguồn nhân lực thì sẽ bị tụt hậu. Vậy nên, nếu muốn tồn tại và phát triển, DN vận tải hàng hóa không còn cách nào khác là cần phải thay đổi nhận thức.
Trước hết, các DN cần chú trọng yếu tố con người, phải nghiêm cẩn từ khâu tuyển dụng đến đào tạo nguồn nhân lực. Ngay từ bây giờ, các DN phải có lộ trình đầu tư để thích ứng với yêu cầu hội nhập.
Tiếp đến, một yếu tố có vai trò quan trọng để DN thành công trước thách thức hội nhập là việc tham gia Hiệp hội ngành nghề, nhằm tạo sức mạnh tập thể.
Đi đôi với đó, các DN cần đầu tư cơ sở hạ tầng khi hội nhập. Đồng thời, các DN Việt cần có sự đồng thuận, đoàn kết để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN với nhau, cùng nhau phát triển trên cơ sở tuân thủ luật pháp. Ví dụ, phải đảm bảo vận chuyển đúng tải trọng, nói “không” với vận chuyển hàng lậu, không hóa đơn chứng từ, hàng độc hại, thực phẩm bẩn chưa qua kiểm duyệt của các cơ quan chức năng…
Riêng đối với thị trường logistics, Việt Nam còn tiềm năng rất lớn, và các chuyên gia đánh giá, đây là “miếng bánh thơm” nhưng DN Việt chưa khai thác tốt. Điều này bởi nhiều nguyên nhân, như tiềm lực tài chính còn nhiều hạn chế; chưa có sự liên kết giữa DN với DN, DN với chính quyền, và DN với các cơ quan chức năng đang quản lý hạ tầng trọng yếu.
Cùng đó, cũng chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích DN mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực này. Thực tế cho thấy, để phát triển tốt dịch vụ logistics, sẽ liên quan đến nhiều vấn đề lớn mang tầm quốc gia, nằm ngoài khả năng của DN.
Đơn cử, tại Thái Lan đã hình thành những tuyến đường vận chuyển hàng hóa với vận tốc cao, xe chạy trên 80km/giờ, trong khi ở Việt Nam chưa có được điều này. Như vậy, làm sao DN đáp ứng được yêu cầu cấp bách về vận chuyển hàng hóa theo yêu cầu các đối tác quốc tế! Hay như việc thông quan tại cửa khẩu Lào – Thái chỉ chưa đầy 5 phút, trong khi tại cửa khẩu Lao Bảo (Việt – Lào), nhanh nhất cũng mất đến 20 phút…
Do đó, để tạo điều kiện cho DN vận tải hội nhập, trước hết các nhà làm chính sách cần khắc phục những hạn chế nêu trên. Trong khi đó, các DN cũng phải tự mình hoàn thiện, đầu tư nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ thông qua việc thay đổi thái độ phục vụ, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản trị DN, điều hành hoạt động kinh doanh. Có như vậy, DN Việt mới có thể đứng vững trước yêu cầu hội nhập, không bị lép vế trước làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này trong thời gian tới.