Nếu thoả hiệp với tham nhũng DN sẽ thành con tin
Đẩy lùi thông lệ xấu trong kinh doanh | |
Chống tham nhũng và lãng phí: Gam màu sáng đã bừng lên | |
Tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng |
Lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, Báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của DN (TRAC) 2017 đã đánh giá về việc công bố thông tin của 30 DN lớn nhất được lựa chọn theo danh sách Bảng xếp hạng 500 DN lớn nhất Việt Nam (VNR500). Trong đó bao gồm 10 DNNN, 10 công ty niêm yết, và 10 DN FDI. Báo cáo do Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT), cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) tại Việt Nam, công bố ngày 26/4.
Minh bạch thông tin cách xa chuẩn mực quốc tế
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Tổ chức Hướng tới minh bạch: kinh doanh liêm chính giúp DN giảm chi phí không chính thức và đáp ứng yêu cầu của đối tác kinh doanh tại các thị trường quan tâm đến tính liêm chính. Điều này tạo điều kiện để DN thâm nhập thị trường quốc tế, và là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, việc thực hiện công bố thông tin của DN lại chưa tốt như kỳ vọng.
Ảnh minh họa |
TRAC khảo sát theo ba nội dung: công bố thông tin về chương trình phòng, chống tham nhũng; minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của DN; và cơ chế báo cáo theo quốc gia.
Với nội dung công bố thông tin về chương trình phòng, chống tham nhũng, tổng điểm trung bình của 30 DN chỉ đạt 10%, với 9/30 DN công bố công khai các chương trình chống tham nhũng, bà Phạm Ngọc Linh, Giám đốc Công ty tư vấn quản lý MCG cho biết. Trong đó nhóm DN FDI thực hiện tốt nhất và đạt điểm cao nhất tiếp đến là nhóm công ty niêm yết và nhóm DNNN xếp cuối.
Bà Linh giải thích, khối DN FDI đạt điểm cao bởi toàn bộ chính sách mà công ty mẹ ban hành ở chính quốc đã được họ mang về Việt Nam và yêu cầu công ty ở Việt Nam cam kết thực hiện. Trong khi đó, phần lớn các DN Việt Nam lại chưa quen với việc nói không với tham nhũng, vì vậy DN chưa có công bố chính thức về các chương trình này.
Liên quan đến minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu DN, điểm số trung bình của nội dung này là 32%, với 18/30 DN công bố thông tin về cấu trúc và tỷ lệ sở hữu. Trong đó nhóm công ty niêm yết đạt điểm cao nhất, nhóm DNNN xếp thứ 2 và nhóm FDI hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu khi nhận điểm số 0%.
Các DN niêm yết của Việt Nam đạt điểm khá tốt, trong đó có 2 DN đạt điểm tối đa 100% (FPT, Vinamilk). Điều đó cho thấy DN Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch. Kết quả khảo sát cũng cho thấy thông tin về cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của DN FDI hoạt động tại Việt Nam vẫn là vùng bí mật, do pháp luật hiện hành chưa có yêu cầu khối DN này phải công bố các thông tin tương ứng. Tuy nhiên nhóm khảo sát khuyến cáo khối FDI nên chủ động hơn trong việc cung cấp các thông tin này nếu muốn hoạt động lâu dài tại quốc gia mà họ rót vốn đầu tư.
Cuối cùng, cơ chế báo cáo theo quốc gia là nội dung công bố các thông tin tài chính của DN ở các quốc gia có hoạt động; gồm 5 câu hỏi về doanh thu, chi phí kinh doanh, thu nhập trước thuế, thuế thu nhập và đóng góp cho cộng đồng tại các quốc gia công ty có hoạt động. Ở nội dung này, đơn vị khảo sát đánh giá không có DN nào đạt yêu cầu. Bà Linh phân tích, có 14/30 DN cung cấp thông tin về hoạt động của công ty con tại nước ngoài, tuy nhiên những thông tin thu thập được không đầy đủ và chưa đáp ứng tiêu chí theo cơ chế báo cáo theo từng quốc gia.
Để đi đường dài và rộng hơn
“Từ trước tới nay chúng ta vẫn nhấn mạnh tới chống tham nhũng trong khu vực công, nhưng thực tế vai trò của chống tham nhũng trong khu vực tư cũng rất quan trọng, vì ở khu vực này khả năng lây lan của tham nhũng là rất lớn”, Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu. Theo ông Tuấn, nếu các hành vi tham nhũng ở trong khu vực tư được đánh giá là bình thường thì nó sẽ nhanh chóng trở nên rộng rãi ở khu vực công.
Trước câu hỏi có nên đưa nội dung phòng chống tham nhũng trong khi vực tư vào Luật Phòng, chống tham nhũng hay không, ông Tuấn cho rằng nếu đưa vào luật thì chống tham nhũng hiện tại sẽ có nguy cơ chuyển định hướng, thay vì theo dõi ở khu vực công lại chuyển sang khu vực tư. Như thế sẽ dẫn đến nguy cơ lạm quyền, gây ra nhiều chi phí, rủi ro tăng lên.
Ông Tuấn khuyến nghị để tăng cường chống tham nhũng, DN phải có các giải pháp tự thân. Bản thân DN khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, làm ăn kinh doanh với các tập đoàn lớn cũng đòi hỏi tính minh bạch và tuân thủ pháp luật về chống tham nhũng. Đây là sức ép tự nhiên cần có để đốc thúc DN. Việc công bố thông tin hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, theo ông Tuấn cũng là điều cần bắt buộc thực hiện. Bởi đằng sau hình ảnh DN là hình ảnh của cả một quốc gia. Việc công khai thông tin và hoạt động sẽ là cơ sở để DN được nước sở tại tin tưởng và khuyến khích mở rộng đầu tư.
Ông Tuấn lưu ý rằng khảo sát của VCCI cho thấy khi tỷ lệ DN chi trả chi phí không chính thức cao thì tỷ lệ đổi mới sáng tạo ít bởi càng phải bỏ nhiều chi phí không chính thức thì càng giảm khả năng ứng dụng công nghệ mới và đó là vòng luẩn quẩn. “Nếu thoả hiệp với tham nhũng từ sớm thì các DN tiềm năng của Việt Nam có thể trở thành con tin, vì họ có nguy cơ rơi vào vòng xoáy và không thể tham gia vào cuộc chơi dài rộng hơn”, ông Tuấn gửi thông điệp tới các DN.