Ngăn chặn thực phẩm bẩn bằng công nghệ
Phiên chợ nông sản, thực phẩm an toàn | |
Nỗi lo hàng quán vỉa hè | |
An toàn vệ sinh thực phẩm: Nỗi lo không của riêng ai |
Chợ đầu mối Hòa Cường nằm trên địa bàn quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng), hàng đêm có khoảng 200-350 tấn hàng được vận chuyển về đây, chủ yếu là các loại nông sản. Số lượng hàng đổ về nhiều, nhân viên các lực lượng chức năng chỉ có hạn, nên với hàng trăm tấn hàng hóa như vậy nhưng mẫu hàng xét nghiệm chỉ được lấy có vài chục, thật khó để có hoàn toàn yên tâm về chất lượng các mặt hàng được bán tại chợ.
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm, tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng |
Còn tại các chợ lớn khác trên địa bàn TP. Đà Nẵng, như chợ Cồn, chợ Hàn, hay chợ Đống Đa... việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ này từng triển khai thông qua hình thành các điểm, quầy bán rau, thực phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, vì nhiều lý do các quầy này đều ngưng hoạt động một số đơn vị như HTX Rau an toàn Túy Loan, HTX Nấm Như Mai, Công ty Hoa Đất, CTCP Việt Thiên Ngân... từng tham gia quầy thực phẩm sạch tại các chợ nay đều phải rút lui vì sức ép cạnh tranh về giá trên thị trường.
Với việc khó kiểm soát được đầu vào của thực phẩm như vậy nên như nhiều địa phương khác trong cả nước, nỗi lo thực phẩm bẩn vẫn luôn thường trực, hiện hữu trong từng bữa ăn của các gia đình tại TP. Đà Nẵng.
Từng có thời điểm lực lượng chức năng thành phố đã liên tục phát hiện, xử phạt nhiều cơ sở sử dụng chất cấm để nhuộm măng tươi, dưa cải muối, sử dụng nhựa thông để làm sạch lông gia cầm, cho chất phụ gia không nguồn gốc xuất xứ vào thực phẩm... Sở Y tế phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống vi phạm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cũng đã từng phát hiện các mẫu chả có hàm lượng Natri Benzoate vượt ngưỡng...
Thực phẩm được sản xuất trên địa bàn đã vậy, từ ngoài chuyển vào thì càng khó tin tưởng về nguồn gốc xuất xứ. Hiện mỗi năm sản phẩm chăn nuôi tại Đà Nẵng chỉ chiếm khoảng 15% tổng sản phẩm tiêu thụ, còn lại nhập từ các địa phương khác. Tương tự, mỗi năm thành phố tiêu thụ khoảng 85 nghìn tấn rau, củ các loại. Song, trên địa bàn chỉ sản xuất được hơn 15 nghìn tấn...
Thực phẩm bẩn đã từng gây ra nhiều vụ ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt hồi tháng 7/2016, xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm ở quận Hải Châu khiến nhiều người nhập viện. Nguyên nhân, được xác định là do sản phẩm mắm tôm chua và giá đỗ muối chua nhiễm Clostridium Perfringens vượt mức cho phép.
Để xử lý vấn đề này, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng từng khẳng định, chính quyền phải có trách nhiệm làm sao để tạo niềm tin cho người dân yên tâm ăn, không mong được 100% nhưng cũng phải để cho người dân biết thực phẩm mình ăn được đảm bảo...
Thực hiện chủ trương của lãnh đạo thành phố, hiện Đà Nẵng đang tập trung xây dựng “thành phố 4 an”, trong đó có an toàn vệ sinh thực phẩm. Mục tiêu trọng tâm của địa phương là tăng cường kiểm tra, giám sát chặt tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm. Một trong những giải pháp được đưa ra đó là ứng dụng công nghệ thông tin vào việc ngăn chặn thực phẩm bẩn.
Đơn cử trong lĩnh vực thủy sản, với hàng nghìn phương tiện đánh bắt xa bờ, Đà Nẵng đang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đánh bắt hải sản nhằm xác định vùng biển khai thác của tàu kết hợp với kiểm tra thông tin từ nhật trình khai thác. Các tàu cá tham gia chuỗi cam kết thực hiện nhắn tin vị trí khai thác mỗi ngày một lần về trạm bờ để thể hiện hành trình khai thác thủy sản. Còn tại cảng cá Thọ Quang, nơi tập trung nguồn thủy sản về Đà Nẵng để tiêu thụ, việc kê khai nguồn gốc xuất xứ thủy sản nhập vào cảng cá được tiến hành nghiêm ngặt. Cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức lấy mẫu giám sát thủy sản nhập vào cảng.
Đà Nẵng cũng đã triển khai đề án “Xây dựng hệ thống quản lý thông tin kiểm soát thực phẩm trên địa bàn thành phố”, với mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin nhằm thu thập, xử lý thông tin về thực phẩm không bao gói sẵn để giúp cơ quan quản lý Nhà nước, người tiêu dùng có thể truy xuất, xác định nguồn gốc thực phẩm. Theo đó, việc kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bao gói sẵn như rau, củ, thịt, cá… sẽ được thực hiện thông qua điện thoại di động thông minh (smartphone). Đồng thời, thiết lập quy cách tem dán chuẩn về an toàn thực phẩm của thành phố để phân phối cho các nhà sản xuất, cung ứng, phân phối và người bán lẻ tại các chợ, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn…
Trước đó, du khách khi đến TP. Đà Nẵng chỉ cần gọi điện, nhắn tin hoặc vào Zalo là sẽ biết ngay nhà hàng nào có thực phẩm sạch. Để biết được cơ sở kinh doanh đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khách hàng chỉ cần gọi vào đường dây nóng 0236.1022 hoặc tra cứu qua tin nhắn: soạn ATTP (tên cơ sở); (địa chỉ) hoặc ATTP (địa chỉ) rồi gửi đến 8188, phí cước là 1.500 đồng/tin. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể truy cập miễn phí vào Zalo bằng cách: vào tongdai1022danang, chọn “quan tâm”; vào “Gửi tin nhắn”, chọn “An toàn VSTP” để biết cơ sở nào đạt chuẩn.