Ngân sách Nhà nước chỉ thiếu 1 đồng là mất cân đối ngay
Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2018 | |
Cần cải cách toàn diện hệ thống thuế | |
Động lực mới của nền kinh tế |
Năm 2017 khép lại với những thành tựu to lớn của đất nước. 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã hoàn thành, đây là năm trong nhiều năm gần đây thực hiện thành công thắng lợi 100% các chỉ tiêu. Các năm trước, thường thực hiện 11/13 chỉ tiêu, 2 chỉ tiêu còn lại xấp xỉ hoàn thành là chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế và xuất nhập khẩu. Đối với ngành tài chính 2 chỉ tiêu này hết sức quan trọng vì nó phản ánh sức khỏe của nền kinh tế liên quan đến công tác thu ngân sách.
Năm 2018 dự toán thu NSNN từ dầu thô là 35.900 tỷ đồng |
2017 là một năm khởi đầu với quá nhiều khó khăn và thách thức với cả đất nước và với riêng ngành tài chính. Không ít dự báo lo rằng nhiều nguy cơ bị mất cân đối. Nhưng ngành đã đạt được thành tích nổi bật là thu ngân sách vượt dự toán 5,9%, bội chi NSNN ít hơn mức Quốc hội cho phép tới 4.000 tỷ đồng, chỉ bằng 3,48% GDP thực hiện. Nợ công giảm được 2% so với mức ở năm 2016. Đặc biệt, trong bối cảnh bội chi tăng ở mức cao, nợ công tăng nhanh, chi thường xuyên tăng nhanh, chi đầu tư giảm, nhưng ngành tài chính vẫn đảm bảo chi cho an sinh xã hội.
Vậy ngành tài chính đã làm thế nào để đạt được kết quả đó trong bối cảnh đầy khó khăn? Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ đã triển khai các giải pháp điều hành quyết liệt, đảm bảo cân đối ngân sách trong điều kiện NSTW gặp nhiều khó khăn. Vừa thực hiện chủ trương cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công tích cực, từng bước cơ cấu và nâng cao bền vững nợ công, phát triển thị trường tài chính, quản lý chặt chẽ tài sản công, đồng thời cùng các bộ ngành, địa phương tập trung cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, DN, tích cực thanh tra kiểm tra chống chuyển giá, chống thất thu, chống buôn lậu và gian lận thương mại trốn thuế...
Bộ cũng là một điển hình tiên phong về cải cách thủ tục hành chính thực hiện Nghị quyết 19, tạo thuận lợi cho người dân và DN. Công tác xây dựng thể chế cũng có dấu ấn. Bộ Tài chính đã trình 2 luật đó là Luật Quản lý tài sản công có hiệu lực từ 1/1/2018 và Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2018…
Năm 2018 dự báo khó khăn thách thức vẫn còn nhiều. Các yếu tố tác động không thuận của hội nhập quốc tế, sự thích ứng của doanh nghiệp còn chậm, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn khó khăn, đòi hỏi thời gian và chi phí lớn... dự báo sẽ có tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018.
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, ngành tài chính đã đề ra 9 nhóm giải pháp với những nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, tập trung hoàn thiện pháp luật tài chính, triển khai Nghị quyết XII của Đảng và Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Sẽ tập trung tái cơ cấu chính sách thu, trong đó sẽ tiếp tục nghiên cứu trình các cấp thẩm quyền điều chỉnh chính sách, cụ thể sẽ trình Chính phủ, trình Quốc hội một luật sửa 6 luật về thuế.
Chính sách tài khóa được điều hành thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính.
Đặc biệt, sẽ xây dựng các chính sách thuế tập trung vào thu nội địa trong bối cảnh nhiều dòng thuế về không do cam kết quốc tế. Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh thu từ dầu thô đã sụt giảm và hơn 90 dòng thuế trong ASEAN về 0% từ 2018, thì thu nội địa là chủ yếu.
Và một việc làm quan trọng “vẫn nằm trong ý tưởng” được Bộ trưởng bật mí, đó là sẽ trình Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị cho đánh giá lại chính sách ưu đãi đầu tư. Hiện ưu đãi còn phân tán vừa theo địa bàn vừa theo lĩnh vực và ngành nghề… nhưng khả năng tiếp cận của DN trong nước rất thấp. Đất nước đã thay đổi nhiều sau 30 năm đổi mới mà tiêu chí về vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn vẫn như cũ là bất hợp lý, là vô hình trung chúng ta làm doãng thêm khoảng cách giàu nghèo, theo Bộ trưởng.
“Chúng tôi cho rằng cần nghiêm túc đánh giá lại về chính sách ưu đãi đầu tư. Phải thay đổi tư duy để điều hành cho đúng. Tăng trưởng kinh tế đặt mục tiêu 6,7% hay 6,8% hay 6,9% cũng được nhưng phải xem tăng trưởng ở đâu, còn ngân sách thì tiền tươi thóc thật, thiếu một đồng là mất cân đối ngay”, Bộ trưởng bày tỏ.