Cần cải cách toàn diện hệ thống thuế
4 NHTM Nhà nước đều thuộc top 20 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam | |
Không gian cải cách còn rất nhiều | |
Tổng cục Thuế chỉ đạo kiểm tra thuế của Khaisilk |
PGS-TS. Hoàng Văn Cường |
Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, PGS-TS. Hoàng Văn Cường cho rằng việc giảm nguồn thu NSNN Trung ương khiến điều hành chi sẽ rất khó khăn và nếu không cẩn thận, sẽ khiến bội chi nhiều hơn. Ông cho rằng bên cạnh việc nuôi dưỡng nguồn thu, đã đến lúc chúng ta cần phải cải cách lại hệ thống thuế chứ không phải chỉ đơn thuần tăng thuế…
Các báo cáo gần đây cho thấy hụt thu ngân sách Trung ương đang tạo ra nhiều lo lắng. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?
Cần khẳng định rằng điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho ngân sách Trung ương. Đối với thu ngân sách từ dầu thô, năm 2017, dự toán chỉ chiếm có 3,2% trong tổng thu NSNN. Từ 20% giai đoạn 2006-2010 thì đến 2017 chỉ còn 3,2% trong tổng số thu cân đối NSNN, trên cơ sở chúng ta tính sản lượng là 12,28 triệu tấn và giá dầu thô là 50 USD/thùng.
Thu nội địa, về tổng thể vượt dự toán nhưng toàn bộ số vượt thu thuộc về ngân sách địa phương. Phần ngân sách Trung ương được hưởng trong thu nội địa dự kiến khó đạt dự toán. Thu từ cổ phần hóa, thoái vốn DNNN tại DN hết tháng 9/2017 mới đạt 10 nghìn tỷ đồng trong tổng số 60 nghìn tỷ đồng dự toán Quốc hội đã thông qua.
Nhìn chung, về tổng thể sẽ vượt dự toán, nhưng ngân sách Trung ương lại gặp khó khăn.
Trong thời gian vừa qua, thông qua chính sách tài khóa, chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp miễn, giảm, giãn thuế nhanh và mạnh hơn so với lộ trình đã dự kiến, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, nuôi dưỡng nguồn thu và phát triển kinh tế. Chính việc điều chỉnh chính sách này cùng với sự sụt giảm nhanh từ dầu thô và xuất nhập khẩu nên tỷ lệ huy động vào NSNN từ thuế, phí có xu hướng giảm nhanh. Dự kiến năm 2018, tỷ lệ này là 19,7% GDP, giảm so với 2017 là 20,1% và chưa đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 21% GDP như Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
NSNN Trung ương có nguy cơ hụt thu, nhưng NSNN địa phương tăng khá tốt. Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần điều chỉnh lại chính sách thuế cho phù hợp hơn, thưa ông?
Thu ngân sách địa phương tăng lên được là bởi dư địa để tăng vẫn còn, liên quan đến việc thu thuế từ các hộ kinh doanh nhỏ và DN nhỏ hiện chưa đầy đủ. Nếu như việc thu làm thật nghiêm túc, quyết liệt, giám sát chặt chẽ doanh thu, đối tượng thu thì doanh thu sẽ tăng. Thế nên, việc những năm qua thu địa phương tăng lên là do chúng ta đã tổ chức thu tốt hơn và số lượng các DN nhỏ cũng tăng nhiều hơn.
Thứ nữa, thu địa phương thường xuyên vượt chỉ tiêu, còn do công tác giao kế hoạch ngân sách cho địa phương chưa thật chính xác. Bởi nếu địa phương thu vượt thì sẽ được thưởng trên phần thu vượt đó, nên địa phương nào cũng muốn giao kế hoạch thấp hơn để có phần thu vượt và yếu tố này cũng góp phần quan trọng giúp ngân sách địa phương tăng lên. Việc giảm nguồn thu NSNN Trung ương dẫn đến điều hành chi sẽ rất khó khăn và nếu không cẩn thận, nó sẽ khiến bội chi nhiều hơn.
Để giải quyết việc này, có thể phải điều chỉnh lại việc phân cấp thu, phân cấp tập trung ngân sách. Chúng ta đều biết rằng, nếu thực hiện phân cấp tự chủ ngân sách cho địa phương càng nhiều thì tính tự chủ càng cao. Tuy nhiên, ở Việt Nam phân do chia địa giới của các tỉnh quá nhỏ, nên nếu cứ giao tất cả cho địa phương sẽ thấy tình trạng chia cắt của “63 nền kinh tế”. Do vậy cần phải có nguồn lực tập trung từ Trung ương. Khi đó chúng ta sẽ phải điều chỉnh và phân phối lại nguồn thu giữa Trung ương và các địa phương cho hợp lý.
Một giải pháp quan trọng khác là phải tăng cường đầu tư cho các nguồn lực là cơ sở thu của Trung ương. Ví dụ như thu liên quan đến xuất nhập khẩu, đến các DNNN, các tập đoàn lớn, các DN đầu tư nước ngoài… cần được quan tâm nhiều hơn, phải tăng cường đẩy mạnh hoạt động kinh tế thì mới có nguồn thu. Thế nên, tăng trưởng kinh tế ảnh hưởng rất lớn đến việc cải thiện được nguồn thu trong tương lai.
Đã đến lúc cần phải cải cách về hệ thống thuế chứ không chỉ đơn thuần tăng thuế |
Có ý kiến cho rằng, chính sách thuế của chúng ta đang bỏ sót rất nhiều lĩnh vực quan trọng là nguồn lực thu cho NSNN. Chính vì vậy, cần rà soát lại và điều chỉnh cho hợp lý?
Tôi cho rằng, đã đến lúc cần phải cải cách về hệ thống thuế chứ không chỉ đơn thuần tăng thuế. Một số người cho rằng cải cách thuế là tăng thuế suất, tôi cho là không phải như vậy, mà phải điều chỉnh theo hướng tập trung vào những loại thuế nào đang để sót, chưa điều chỉnh để tạo nguồn thu.
Chúng ta đều nhìn thấy là hiện nay, các nguồn lực về đất đai, về bất động sản… thường tạo ra những giá trị rất lớn cho xã hội và cũng tạo ra một nguồn thu rất lớn cho những người đang trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh. Thế nhưng nguồn thu này hiện nay ở Việt Nam còn đang bị bỏ ngỏ, trong khi đây cũng là nguồn thu rất lớn trong cơ cấu thu ngân sách của rất nhiều quốc gia. Nếu chúng ta không thu được là đang để nguồn lực này thất thoát, không chỉ đối với NSNN, mà còn có thể xảy ra tình trạng kích thích đầu cơ trong các lĩnh vực này, cản trở các nhà đầu tư và không làm đất đai và bất động sản trở thành các nguồn lực để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Xin cảm ơn ông!