Ngân sách và sự tham gia của người dân
Đến 15/3, ngân sách bội thu 6,3 nghìn tỷ đồng | |
Việt Nam bất ngờ khi bị đánh giá chưa có nhiều tiến bộ về công khai ngân sách | |
Siết thu hồi vốn tạm ứng ngân sách |
Khi người dân lên tiếng
“Trời mưa lắm, xi măng và cát trôi đầy ra mà họ vẫn đội mưa làm đường. Chúng tôi kêu họ dừng lại nhưng họ vẫn làm. Chúng tôi phải lên báo UBND và HĐND xuống bảo dừng họ mới dừng. Con đường liên thôn đó có giá 300 triệu đồng cho 1 km cơ mà”, chị Hồ Thị Nghĩa – người dân tộc Vân Kiều ở huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị cho biết.
Câu chuyện của chị Nghĩa cho thấy, cho dù một người phụ nữ kiến thức hạn hẹp cũng vẫn phát huy được vai trò giám sát, góp ý của mình cho từng đồng ngân sách, nhưng từ những người công nhân làm đường đến chủ thầu đủ cả kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm nếu không bị giám sát vẫn sẵn sàng làm ẩu.
“Công trình nào phục vụ người dân, có nhân dân tham gia thì công trình đó thành công”, ông Trần Ánh Dương – Phó trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Hòa Bình kết luận. Ở Hòa Bình có nhiều dự án công trình tại xã được lấy ý kiến người dân từ thiết kế rồi lập dự toán, đến thi công, giám sát, nhờ đó đã giảm được khá nhiều chi phí.
“Sau khi có sự tham vấn từ 678 hộ dân, HĐND tỉnh đã phát hiện ra nhiều bất cập trong việc phân bổ ngân sách cho các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và kinh tế tập thể và đã phát hiện ra những hạng mục không cần thiết với người dân. Những hạng mục không cần thiết này đã được loại bỏ nên ngân sách tỉnh Quảng Trị đã tiết kiệm được 4 tỷ đồng mỗi năm”, ông Nguyễn Đăng Ánh, Phó ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Trị cũng cho biết.
Đây là những trường hợp được nêu ra tại Hội thảo Quản lý NSNN: Từ các sáng kiến thực tiễn đến giải pháp chính sách được tổ chức tại Tam Đảo – Vĩnh Phúc ngày 30/3/2018, cho thấy sự quan trọng và tính hiệu quả trong việc phát huy vai trò giám sát của người dân.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị chia sẻ kinh nghiệp áp dụng bộ tiêu chí chấm điểm về công khai ngân sách cấp tỉnh (POBI) ở Quảng Trị. Nhờ áp dụng bộ tiêu chí này để đánh giá và lựa chọn các dự án đầu tư công đã giúp Hội đồng Nhân dân có được những cơ sở khoa học khi ra quyết định lựa chọn dự án đầu tư công, đảm bảo sự khách quan, công khai và minh bạch.
Chỉ trong năm 2016, dựa theo bộ tiêu chí này, 4 dự án đầu tư công với dự kiến vốn đầu tư là 144 tỷ đồng đã được xác định là chưa cần thiết nên Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã đưa khỏi danh sách đầu tư công.
Cộng đồng cần khung pháp lý
Trong 3 năm qua, Oxfam và BTAP đã hỗ trợ các đối tác ở Hòa Bình và Quảng Trị triển khai nhiều sáng kiến nâng cao hiệu quả quản lý NSNN và các sáng kiến này đều được xây dựng dựa trên nguyên tắc cơ bản về minh bạch, sự tham gia và trách nhiệm giải trình. Quá trình thực hiện sáng kiến đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực.
Việc giám sát của cộng đồng giúp các công trình có chất lượng tốt hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, nhóm cộng đồng hoạt động cũng khó khăn.
"Minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân là yếu tố tiên quyết để đảm bảo hệ thống chính sách hoạt động hiệu quả", theo bà Nguyễn Thu Hương (Quản lý Chương trình cao cấp – Tổ chức Oxfam tại Việt Nam).
Khẳng định vai trò quan trọng của việc công khai minh bạch ngân sách và vai trò giám sát của người dân, ông Nguyễn Minh Tân – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách, Văn phòng Quốc hội cho nhắc lại vai trò giám sát của người dân đã được khẳng định tại Hiến pháp và được quy định tại các Luật như Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Mặt trận tổ quốc …
Theo đó, người dân thực hiện việc giám sát của mình thông qua Quốc hội - Cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước; thông qua Hội đồng Nhân dân (Bầu đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã); thông qua Mặt trận Tổ quốc; thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội như hiệp hội, đoàn thể, công đoàn…
Có quyền nhưng “sự tham gia của người dân không thường xuyên do chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và ý nghĩa của vấn đề, không kịp thời vì nhiều khi công việc đã hoàn thành, sự đã rồi, tham gia không đến cùng, không toàn diện do không hiểu hết các vấn đề tài chính – ngân sách của quốc gia và địa phương…”, ông Tân cho biết. Vì vậy cần nâng cao vai trò và năng lực giám sát, theo dõi của cộng đồng.