Ngành hồ tiêu gặp khó
“Cái chết” đã được cảnh báo | |
Cần điểm tựa cho cây hồ tiêu |
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu chỉ đạt 800 triệu USD trong năm 2018, thấp nhất sau 4 năm liên tục đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Mặc dù sản lượng hạt tiêu xuất khẩu liên tục tăng, nhưng giá trị ngày càng giảm, khiến nhà nông và doanh nghiệp đều khó khăn.
Bà Đinh Thị Ấn, Phó Chủ tịch Hội làm vườn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, cây hồ tiêu đã được Chính phủ hoạch định là một trong 10 mặt hàng nông sản có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó, việc giá tiêu cao trong những năm trước (cao điểm vào năm 2004 giá tiêu lên đến 220.000 đồng/kg) khiến nhiều hộ gia đình tại đây tập trung mở rộng diện tích trồng tiêu.
Đối với các hộ nông dân có vườn tiêu lâu năm (từ 5 năm trở lên) thì dù giá hạt tiêu thấp, vẫn có lãi, dù ít và thu nhập ổn định. Nhưng với gia đình mới lập vườn, thì vốn đầu tư vào giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc, thu hoạch… khá cao, trong khi giá bán thấp như hiện nay (tiêu đen là 57.000 đồng/kg, tiêu trắng 61.000 đồng/kg), thì sẽ chịu tổn thất nhiều. Ghi nhận thực tế tại địa phương cho thấy, năm nay thời tiết thuận lợi, tiêu được mùa, năng suất cao.
Cụ thể, như tại vườn nhà bà Đinh Thị Ấn, có 5 ha đất trồng tiêu, sản lượng ước khoảng 4 tấn, tăng hơn vụ trước được 15%. Với mức giá bán hiện tại, sau khi trừ chi phí gia đình bà còn lãi khoảng 30 triệu đồng, giảm hơn năm trước gần 60 triệu đồng. Để tránh bán tiêu lúc rộ mùa, mất giá, nhiều nhà nông chọn cách găm giữ tiêu khô, chờ giá, họ chỉ bán cầm chừng trang trải chi phí và luôn băn khoăn không biết bao giờ thì giá tiêu tăng trở lại.
Theo ông Nguyễn Đình Bích (nguyên chuyên gia Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công thương), Việt Nam là nước xuất khẩu hạt tiêu lớn, nên khi giá hạt tiêu trên thị trường thế giới đi xuống do dư cung, đương nhiên giá hạt tiêu Việt Nam cũng chịu áp lực giá giảm.
Nhìn vào con số thống kê có thể thấy, xuất khẩu hạt tiêu trong 11 tháng của năm 2018 ước đạt 220 nghìn tấn, với giá trị 718 triệu USD. Số lượng này tăng 8,9% nhưng giá trị lại giảm rất sâu, đến 32,5% so với cùng kỳ năm 2017, do giá hạt tiêu giảm mạnh ở hầu hết mọi thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó có một số thị trường giảm giá mạnh gần 60% như thị trường Tiểu Vương Quốc Ả Rập thống nhất; thị trường lớn là Ấn Độ cũng giảm từ 8% - 10%. Như vậy, cả năm 2018 kim ngạch xuất khẩu tiêu chỉ đạt 800 triệu USD.
Dự báo về thị trường năm 2019 của Tổ chức Hồ tiêu quốc tế, tổng sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2019 ước đạt gần 500.000 tấn, giảm so với mức 523.400 tấn của năm 2018. Sản lượng hồ tiêu Ấn Độ dự kiến cũng sẽ giảm trong năm 2019 xuống còn 47.000 tấn (từ 64.000 tấn/2018). Việt Nam cũng đang trong giai đoạn tái cơ cấu diện tích trồng tiêu, tập trung vào sản xuất sạch hơn, nâng cao chất lượng hạt tiêu để xuất khẩu, thay vì chú tâm vào số lượng.
Hiện cả nước có trên 20 doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy chế biến, xử lý hạt tiêu theo tiêu chuẩn công nghệ cao, công suất khoảng 60.000 - 70.000 tấn/năm. Phần lớn trong số đó đều đạt tiêu chuẩn GMP và nhiều tiêu chuẩn quốc tế quy định đối với chế biến thực phẩm. Vì thế, doanh nghiệp và nhà nông sản xuất hồ tiêu hy vọng sẽ tăng được giá trị mặt hàng này ở thị trường xuất khẩu trong năm 2019.