Ngành Ngân hàng: Điểm sáng trong tái cơ cấu kinh tế
Theo đó, hầu hết các ý kiến đều biểu thị sự đồng tình với báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, phức tạp nhưng những nỗ lực điều hành đã giúp kinh tế Việt Nam đã có những điểm sáng (GDP tăng cao nhất 5 năm, trong khi lạm phát thấp nhất trong vòng 15 năm), niềm tin của người dân, doanh nghiệp được cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng...
Đáng chú ý, một điểm sáng được các đại biểu nhấn tới nhiều là quá trình tái cơ cấu ngành Ngân hàng. “Ngành Ngân hàng tiếp tục là điểm sáng trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Có thể đánh giá, NHNN đã thành công trong việc xử lý các NHTMCP yếu kém, đảm bảo ổn định được thị trường vàng, thành công trong kiểm soát lạm phát, kéo được lãi suất xuống thấp và ổn định, tỷ giá hối đoái khá ổn định và dự trữ ngoại hối tăng tốt”, Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP. Cần Thơ) phát biểu.
Phân tích cụ thể hơn, đại biểu Tiếp cho biết, thời gian qua NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp quyết liệt để xử lý các NHTMCP yếu kém theo lộ trình như yêu cầu kiểm soát đặc biệt, yêu cầu tăng vốn, yêu cầu sáp nhập, hợp nhất… Đánh giá cao giải pháp mua lại ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng của NHNN, đại biểu Tiếp cho biết: “Qua theo dõi cho thấy, các ngân hàng sau khi được xử lý đều hoạt động đúng lộ trình tái cơ cấu, thanh khoản ổn định, tiền gửi được củng cố, nợ xấu giảm và hoạt động tốt dần lên”.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu ghi nhận đó là tiến trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là vai trò của VAMC - một giải pháp được đánh giá là rất sáng tạo trong bối cảnh xử lý nợ xấu mà không dùng tiền từ ngân sách. Nhờ đó, đến cuối tháng 9/2015, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã được đưa về dưới 3%. Nợ xấu được xử lý đã khơi thông dòng tín dụng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi tích cực.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng tích cực triển khai các chương trình tín dụng ưu tiên theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ như: Chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển thủy sản; Chương trình tín dụng phát triển nhà ở xã hội...
Đồng tình như vậy, Đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang) cho rằng, hoạt động tái cơ cấu các TCTD đã ghi nhận nhiều chuyển biến tốt. Các TCTD từng bước áp dụng chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế; hiệu quả hoạt động được nâng lên; chất lượng tín dụng được cải thiện; việc triển khai thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, phát huy vai trò của VAMC được thúc đẩy; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; thông tin ngày càng công khai, minh bạch..