Nguy cơ bùng phát chất cấm quay trở lại
Chất cấm trong chăn nuôi: Người dân phải tự bảo vệ mình? | |
Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Phạt chưa đủ nặng để răn đe | |
Kiểm soát chặt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi |
Ông Nguyễn Xuân Dương |
Thưa ông, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe cũng như đời sống của người dân?
Theo tôi, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ảnh hưởng tới sức khỏe con người và đặc biệt có tác hại làm mất đi năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi Việt Nam. Nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào TPP hay các hiệp định mà chúng ta đang ký có hiệu lực thì thực phẩm ngoại hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nếu chúng ta không kiểm soát thật tốt an toàn vệ sinh thực phẩm trong đó có chất cấm trong chăn nuôi.
Ngành chăn nuôi đã có những khuyến cáo bà con chăn nuôi theo hướng an toàn?
Phần lớn người dân đang chăn nuôi theo quy trình chăn nuôi an toàn VietGAP. Hiện Việt Nam đã có hơn 100 trang trại lớn với hơn 9000 hộ chăn nuôi theo VietGAP. Chúng ta đã xây dựng được nguồn thức ăn, giống tốt hơn, chuồng trại cũng tốt hơn nên hoàn toàn đáp ứng sản xuất ra thực phẩm có năng suất cao và chất lượng được người tiêu dùng trong nước và quốc tế thích nông sản của Việt Nam.
Có nhiều mô hình chăn nuôi an toàn nhưng tại sao năng lực cạnh tranh của Việt Nam kém cạnh tranh với sản phẩm, thực phẩm ngoại?
Chúng ta không thể nói một sớm một chiều mà Việt Nam có thể bằng các nước chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên, các sản phẩm của chúng ta đang xuất khẩu sang Trung Quốc (lợn) rất nhiều, trứng, thịt gia cầm xuất nhiều sang các nước ASEAN. Hiện giá thành của một số sản phẩm Việt Nam cao hơn những nước chăn nuôi phát triển có nguồn thức ăn dồi dào như các nước Nam Mỹ, vì vậy chúng ta cần nâng cao năng suất để hạ giá thành sản phẩm.
So với những nước xung quanh, Việt Nam hoàn toàn đang kiểm soát tốt giá thực phẩm và giá không phải cao nhất. Nếu chất lượng tốt, an toàn thì đương nhiên sản phẩm chăn nuôi của chúng ta không những được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn xuất khẩu được.
Theo ông, tại sao chúng ta một lần nữa lại nhắc lại vấn đề chất cấm?
Rõ ràng chất cấm là chúng ta mới bước đầu kiểm soát được, nguy cơ bùng phát trở lại hoàn toàn có thể. Bởi vì số lượng các hộ chăn nuôi của chúng ta còn đông và không phải hộ nào cũng có đủ điều kiện thực hiện ngay quy trình chăn nuôi an toàn. Nếu chúng ta không kiểm soát tốt chất cấm thường xuyên và quyết liệt như đang làm thì có thể sẽ quay trở lại vì chưa tạo thành thói quen cho người chăn nuôi rằng nghĩ đến chất cấm là không dùng.
Ngay Thái Lan cũng phải mất 5 năm để kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi còn chúng ta mới chỉ có một thời gian ngắn. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng liên quan đến chất cấm trong chăn nuôi và đặc biệt các địa phương phải tiếp tục quản lý chất cấm bởi chất cấm không chỉ có Salbutamol mà còn nhiều chất khác.
Bởi những người sản xuất nhỏ do hám lời nên sẵn sàng sử dụng chất cấm cho nên nguy cơ chất cấm quay trở lại bất cứ lúc nào. Chúng ta cần luôn luôn cảnh giác, không nên lơ là cho rằng đã quản lý được.
Có nghĩa một bộ phận nhỏ làm ăn chân chính vẫn phải chịu thiệt hại do người hám lợi?
Đương nhiên là như vậy, nếu một số như con sâu bỏ rầu nồi canh là những người hám lợi hay bất lương làm cho các sản phẩm chăn nuôi có nhiều rủi ro nếu như thực phẩm nước ngoài có giá bằng Việt Nam và chứng minh rằng không có chất cấm thì chúng ta hoàn toàn mất thị trường trên sân nhà.
Thời gian tới chúng ta có đột phá gì để giải quyết vấn đề chất cấm?
Luật hình sự có hiệu lực vào 1/7 tới hành vi sử dụng chất cấm được xử lý và xử phạt rất nặng. Chúng ta đánh giá nguy hại của chất cấm cao. Luật hình sự tôi cho đây là bước đột phá vô cùng lớn, cần tuyên truyền cho người chăn nuôi thấy được tác hại của chất cấm với cộng đồng và tác hại của chính việc sử dụng chất cấm với năng lực cạnh tranh của người chăn nuôi.
Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là tự sát, không bán cho ai được. Chúng ta phải có biện pháp để người chăn nuôi thấy chất cấm nhưng không sử dụng, tạo ra thói quen trong sản xuất thực phẩm, như thế sản phẩm của chúng ta mới có thể hội nhập. Các biện pháp cải tiến năng suất, chất lượng chúng ta hoàn toàn có thì người chăn nuôi chân chính sẽ không sử dụng chất cấm.
Và quan trọng nữa là người tiêu dùng cũng phải biết bảo vệ mình như tẩy chay sản phẩm kém chất lượng, có chất cấm và rộng lượng mua những thực phẩm có chất lượng và an toàn với giá cao hơn để giúp người nông dân lương thiện có kế sinh nhai.