Nguy cơ tham nhũng trong quản lý đất đai vẫn ở nhóm đầu
Các ý kiến phát biểu tại tọa đàm cùng thống nhất rằng, vai trò quản lý nhà nước về kinh tế đất và các chính sách kinh tế đất vẫn còn nhiều hạn chế là nguyên nhân căn bản không chỉ làm thất thoát nguồn thu từ đất mà còn tạo nên những bất cập trong công tác quản lý đất đai.
PGS-TS. Nguyễn Văn Xa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho rằng Luật hiện nay có nhiều kẽ hở, nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để nên tham nhũng, trục lợi từ đất đai khá dễ dàng. Thực hiện các quy định pháp luật chưa triệt để dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Và nguồn lực từ đất đai chưa được khai thác hiệu quả nên nhà nước thất thu không ít…
Có đến hơn 10 vấn đề bất cập cần bàn về chính sách kinh tế với đất và quản trị quản lý đất đã được bàn đến rất cụ thể. Đó là các vấn đề cần định giá đất theo giá thị trường; xác định giá trị gia tăng khi Nhà nước thay đổi quy hoạch đầu tư và đầu tư hạ tầng, khi mục đích sử dụng đất thay đổi.
Về giá đất, GS-TS. Nguyễn Văn Song (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) khẳng định chưa có thị trường đất đai mà chỉ có thị trường chuyển đổi quyền sử dụng đất, vì đất vẫn thuộc quyền sở hữu Nhà nước. Trong khi đó, bảng giá đất hiện nay quá lạc hậu, thị trường chưa minh bạch.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, PGS-TS. Ngô Trí Long lưu ý thêm, khi mọi thông tin đầu vào vừa thiếu vừa không đúng và còn bị giấu giếm thì không thể có được giá thị trường thực sự.
Ở khía cạnh này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhấn mạnh: “Chúng ta chỉ có Luật Đất đai đang nhiều bất cập mà chưa có được một Bộ Luật đất đai mới. Bảng giá đất thì điều chỉnh hàng năm mà giá chỉ bằng 30 -50% giá thị trường, nên đây là cơ hội cho trục lợi từ đất đai”.
Với những bất cập, kẽ hở được nêu, “nguy cơ tham nhũng trong quản lý đất đai vẫn thuộc nhóm đứng đầu”, theo GS-TSKH. Đặng Hùng Võ.
Tại tọa đàm, các nghiên cứu các vấn đề kinh tế trong chính sách và luật pháp đất đai ở Việt Nam đã được trình bày và thảo luận từ các góc nhìn khác nhau, về những vấn đề đang là nóng nhất, gây ra nhiều bất cập nhất đang đòi hỏi phải có những thay đổi mạnh mẽ.
Nhiều kiến nghị và giải pháp rất cụ thể được nêu lên, tựu chung lại là phải có hệ thống thông tin dữ liệu đầy đủ và minh bạch về đất và giá đất; cần có cơ chế điều tiết chênh lệch địa tô khi giá trị đất quanh dự án tăng lên; người dân phải được tham gia quản lý, giám sát các vấn đề về đất đai.
Quan trọng hơn cả, vấn đề quyết định nhất là cần xây dựng bộ luật đất đai mới thống nhất với các bộ luật khác hiện hành và phải áp dụng cơ chế giá thị trường với đất đai, để các khoản thu về đất không mất, không lọt, thì khi đó mọi khoản thu cần được thu qua kênh ngân hàng...