Nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà
Ông Stephen Wyatt |
Trong hai tháng đầu năm 2016, lượng người nước ngoài “xuống tiền” mua nhà tại Việt Nam có nhiều như mong đợi không, thưa ông?
Chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà cũng mới được áp dụng gần đây. Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn triển khai việc cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản (BĐS) tại Việt Nam vừa mới có hiệu lực từ tháng 12/2015.
Khi chính sách này ra đời, yếu tố tích cực là thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư BĐS, tuy nhiên trên thực tế, chính sách này có tác động đến việc người dân “xuống tiền” để mua nhà hay không, thì kết quả đến nay vẫn còn khá khiêm tốn. Và cũng còn quá sớm để đánh giá hết tác động của chính sách này đối với thị trường BĐS Việt Nam.
Hiện, có ý kiến trái chiều về chính sách người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam. Một bên cho rằng, Nhà nước đã có những động thái tích cực nới lỏng điều kiện để người nước ngoài có điều kiện sở hữu nhà, một bên cho rằng còn nhiều “khoảng trống” khiến chính sách khó đi vào cuộc sống. Quan điểm của ông về vấn đề này?
So sánh chính sách cho người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam với một quốc gia khác trong khu vực là Indonesia để thấy được sự khác biệt. Tại Indonesia, người nước ngoài cũng có quyền mua và sở hữu nhà nhưng thời gian sở hữu căn hộ tổng cộng 80 năm, trong đó đầu tiên được cấp 30 năm, rồi gia hạn tiếp 20 năm và gia hạn lần cuối cùng là 30 năm.
Đồng thời, chính phủ nước này yêu cầu để được mua nhà phải có thị thực, giấy phép làm việc tại Indonesia liên tục trong thời gian dài, nếu không BĐS sẽ bị thu hồi. Và như vậy, sẽ không có nhiều người nước ngoài chịu ở lại Indonesia liên tục 80 năm để có thể sở hữu BĐS đã mua đó. Nên, chính sách này tác động rất nhỏ đến thị trường BĐS của Indonesia.
Từ đó, có thể nói rằng điều kiện cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam thoáng hơn, vì sau khi mua có thể chuyển nhượng cho người khác, điều này có tác động đến thị trường và thúc đẩy nhu cầu đầu tư cũng như mong muốn sở hữu được BĐS tại Việt Nam của nhiều người nước ngoài.
Liên quan đến chính sách mới cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, chúng tôi tin rằng chính sách này hoàn toàn có tác động tích cực, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đến sự phát triển của thị trường BĐS và thực tế đã đang mang lại nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thực thi chính sách mới này.
Cũng cần thấy rằng, những hướng dẫn thực thi còn chưa rõ ràng và cụ thể đối với người nước ngoài đặc biệt là đối tượng chưa sinh sống tại Việt Nam trong một thời gian đủ dài, nhất là vướng mắc liên quan đến vấn đề chuyển tiền để mua nhà và các điều kiện liên quan đến hỗ trợ tài chính từ ngân hàng.
Trên thực tế, chưa có nhiều ngân hàng mạnh dạn trong việc hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các thủ tục cần thiết để tiến hành mua BĐS tại Việt Nam. Chúng tôi cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan nhà nước và tổ chức tín dụng cũng như nhà phát triển dự án trong việc thu hút và mở rộng đối tượng mua nhà tại Việt Nam.
Hiện nay trên thị trường xuất hiện mối quan tâm nhiều hơn của các nhà đầu tư, khách hàng nước ngoài đến BĐS Việt Nam. Điều này sẽ mở ra cơ hội tăng nguồn cầu trong thời gian tới, nếu không nhanh chóng thay đổi sẽ đánh mất cơ hội.
Năm 2016 liệu sẽ có những chuyển biến tích cực đối với thị trường BĐS, đặc biệt là các khách hàng nước ngoài không, thưa ông?
Chính sách mới cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam có hiệu lực từ tháng 7/2015 đã có tác động tích cực đến thị trường BĐS trong thời gian gần đây. Rõ ràng, là từ khi chính sách mới có hiệu lực, thị trường đã ghi nhận sự quan tâm của đối tượng khách nước ngoài có tăng lên rõ rệt, và tỷ lệ bán hàng thành công tại nhiều dự án cũng tăng dù chưa đáng kể nhưng cũng giúp mở rộng thêm thị trường.
Chúng tôi dự báo năm 2016 sẽ tiếp tục xu hướng này và câu chuyện về người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cũng sẽ tiếp tục là vấn đề được quan tâm, nhưng việc người nước ngoài có nhiều quyết định “xuống tiền” để sở hữu BĐS hay không thì vẫn cần phải đợi thêm thời gian khi những vướng mắc dần được tháo gỡ.
Xin cảm ơn ông!