Nhanh chân kẻo lỡ!
“Đặc khu kinh tế (ĐKKT) không chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà còn là an ninh, chính trị, do vậy phải quyết định sớm, hành động kịp thời kẻo lỡ thời cơ, chúng ta đã lỡ nhiều rồi!”, TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, nói như giục giã trong một cuộc họp quy mô nhỏ về ĐKKT tổ chức cách đây ít lâu.
Xây dựng mô hình ĐKKT đòi hỏi phải có cái nhìn rất thoáng và chuẩn xác |
Lấn cấn xây dựng luật
Cho tới nay, dù đã gần nửa năm qua đi, tính cấp thiết của mô hình đặc khu vẫn giữ nguyên, song vấn đề tổ chức và khuôn khổ pháp lý cho mô hình này vẫn chưa từng được xới xáo lại. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định, mô hình ĐKKT là cơ hội lớn nhất để Việt Nam đổi mới và cải cách thể chế, bởi để thu hút NĐT, tồn tại và phát triển thì cần có những cơ chế rất thông thoáng.
Dù mong muốn đã rõ và thông suốt giữa các cấp, song với tư duy hiện nay thì theo ông Nghĩa, thực sự khó để xây dựng mô hình đặc khu này. Vướng mắc trước tiên là do chưa có luật về ĐKKT nên chưa có cơ sở pháp lý cao nhất đảm bảo cho lợi ích của NĐT, như vậy không thể thu hút NĐT tham gia.
Lý giải về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho biết, Luật ĐKKT cho đến nay vẫn chưa thành hình do cùng lúc phải cân đối xây dựng giữa một loạt các luật khác như Luật Ngân sách, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… “Chẳng hạn trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương có cần nói thêm cái gì về đặc khu không, hay để cho đặc khu tự nói thì đang là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn”, ông Kiên phân tích.
Vấn đề khác đặt ra đối với Luật ĐKKT là xác định địa giới hành chính của đặc khu là cấp huyện, liên huyện, hay “anh của huyện, em của tỉnh”... Như vậy, mô hình của chính quyền đặc khu phải khác với mô hình chính quyền địa phương các cấp. Song, khác đến đâu thì lúc này chưa thể định hình mà phải chờ hoàn thiện các luật về tổ chức chính quyền địa phương và để dành dư địa cho luật về ĐKKT.
Tuy nhiên, ông Kiên cũng nêu quan điểm không nên làm luật ĐKKT chung, mà mỗi đặc khu có một đạo luật riêng. Như vậy sẽ hợp lý và phù hợp với thực tiễn hơn, bởi mỗi đặc khu có những đặc thù riêng hoàn toàn khác biệt, đòi hỏi các thể chế, mô hình tổ chức khác nhau.
Về vấn đề này, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì lạc quan nhìn nhận: “Thế giới cơ bản đã dựng ra khung thể chế khá cao cho mô hình đặc khu rồi, Việt Nam ta chỉ việc khuân về thôi nên không có gì khó cả”.
Chọn lĩnh vực nào?
Nhưng với ông Kiên, vấn đề pháp lý cho ĐKKT còn vướng hơn nữa ở việc xác định tổ chức mô hình nào và lấy lĩnh vực gì làm trọng tâm cho phát triển đặc khu. Chẳng hạn, muốn xây dựng đặc khu Phú Quốc phải xác định Phú Quốc đi lên bằng cái gì, thì chính từ lợi thế so sánh của Phú Quốc mới quyết định các hình thức ưu đãi để bật lên được, nhưng hiện nay chưa xác định được. Ví dụ như ở đây, ngoài du lịch ra thì có nên đưa đánh cá về hay không? Nếu làm du lịch thì sự tham gia của người dân như thế nào? Đây cũng là vấn đề chung của các mô hình đặc khu hiện nay.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết, đề án ĐKKT Bắc Vân Phong mà tỉnh này xây dựng hiện đang tập trung vào 5 lĩnh vực: trung tâm tài chính, nghỉ dưỡng cao cấp, y tế cao cấp, giáo dục đào tạo cao cấp, công nghệ cao. Tuy nhiên, đánh giá chung của các chuyên gia về bản đề án này là vẫn hơi “ôm đồm” các ngành nghề.
TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, với đặc khu không nên chọn đa ngành mà chỉ cần 1-2 ngành làm tiêu điểm, từ đó tạo tác động lan toả. Ông Mại lưu ý cần làm chặt chẽ vấn đề này bởi tất cả hệ thống hạ tầng cơ sở, mô hình tổ chức của đặc khu đều phụ thuộc rất lớn vào cấu trúc ngành nghề kinh tế được lựa chọn.
Hay như trường hợp Đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh) muốn tập trung vào du lịch nghỉ dưỡng với trọng tâm là casino. Các chuyên gia đặt ra câu hỏi: Nếu làm đặc khu mà chỉ giải quyết vấn đề du lịch thì liệu chúng ta có dám áp dụng các thể chế vượt trội như Malocca của Tây Ban Nha hay Macao không? Cụ thể là các vấn đề như phổ biến và lưu hành đồng tiền khác. Theo đó hệ thống NH có tham gia đổi tiền cho khách du lịch hay không? NH nước ngoài hay Việt Nam sẽ làm các dịch vụ đó? Điều này liên quan rất lớn tới tư duy chủ quyền quốc gia, chủ quyền dân tộc.
Trong bối cảnh hiện nay, để không bỏ lỡ thời cơ xây dựng mô hình đặc khu, các chuyên gia cho rằng đòi hỏi phải có cái nhìn rất thoáng và chuẩn xác. Vì mỗi đặc khu là cơ hội để Việt Nam tập trung khai thác hết các lợi thế so sánh với các quốc gia khác, nên trong quá trình đó sẽ có các vấn đề mà từ trước tới nay chúng ta chưa gặp phải, kể cả về kinh tế, xã hội...