Nỗ lực cao nhất thực hiện nhiệm vụ
Điều hành CSTT góp phần quan trọng giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu | |
“Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” | |
Tăng trưởng vượt mục tiêu |
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 diễn ra ngày 28-29/12/2017.
Trong ngày làm việc thứ 2, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành đã phát biểu, trao đổi, giải đáp, làm rõ những vấn đề được các địa phương đề cập hoặc kiến nghị, nhất là những vấn đề liên quan đến công tác cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, kiểm soát lạm phát;…
Thời báo Ngân hàng xin được ghi lại ý kiến phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tại Hội nghị này.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:
Chú trọng phát triển bền vững, tái cơ cấu kinh tế một cách thực sự
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Nhìn lại năm 2017, chúng ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình quốc tế và khu vực phức tạp, có nhiều bất ổn. Các nước lớn có sự điều chỉnh chiến lược và các chính sách thương mại, đối ngoại, tác động trực tiếp đến nước ta. Ở trong nước, bên cạnh thành quả đổi mới sau 30 năm, nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập từ nhiều năm trước vẫn chưa được giải quyết, tiếp tục ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.
Thiên tai gây thiệt hại nặng nề ở miền Bắc, miền Trung, Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã làm hơn 367 người chết, thiệt hại về tài sản khoảng trên 60 ngàn tỷ đồng. Từ đầu năm 2017, nhiều động lực tăng trưởng chính như khai khoáng, nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu gặp khó khăn, kinh tế vĩ mô chịu nhiều áp lực về lạm phát, tỷ giá, nợ công cao... Lúc đó nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.
Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với một niềm tin vững chắc vào sức mạnh của nhân dân và tinh thần của doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta đã nhất quyết kiên định mục tiêu tăng trưởng rất cao mà Quốc hội đã đề ra. Rất nhiều ngành, nhiều địa phương đã chủ động, tiên phong thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện rõ rệt, triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam được nâng từ “ổn định” lên “tích cực”. Đây là những đánh giá khách quan do các tổ chức uy tín quốc tế thực hiện. Những chỉ số rất ấn tượng về thành lập doanh nghiệp mới, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường chứng khoán, chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI, tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng du lịch, tăng dự trữ ngoại hối, sự ổn định giá trị đồng Việt Nam... đã cho thấy niềm tin xã hội, niềm tin thị trường và niềm tin của các nhà đầu tư vào sự phát triển kinh tế Việt Nam ngày càng được củng cố.
Năm 2017 Chính phủ rất thành công trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng ở mức cao |
Bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều tồn tại, nhiều hạn chế để cùng nhau quyết tâm khắc phục: Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, chất lượng và tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, năng suất lao động còn thấp. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhưng chất lượng, hiệu quả, quy mô hoạt động, sức cạnh tranh còn thấp. Tính kết nối giữa khu vực tư nhân trong nước và khu vực FDI còn nhiều hạn chế. Việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, cổ phần hóa DNNN đạt thấp. Phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của DNNN chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ, thất thoát. Buôn lậu, gian lận thương mại, phân bón giả, kém chất lượng, lừa đảo trong bán hàng đa cấp... còn xảy ra ở nhiều nơi.
Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động của thị trường quốc tế còn yếu; dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ còn hạn hẹp trong khi nhu cầu nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh là rất lớn.
Vì vậy, năm 2018 chúng ta phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Chúng ta thống nhất chủ đề năm 2018 với 10 chữ dễ nhớ để vận dụng ở địa phương mình, ngành mình: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.
Theo đó, tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể phục vụ công tác chỉ đạo điều hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết Trung ương, Quốc hội và Nghị quyết 01 của Chính phủ. Trong đó, phải chú trọng phát triển bền vững, không lơ là kinh tế vĩ mô, phải tái cơ cấu kinh tế một cách thực sự.
Cụ thể năm 2018 với từng bộ, ngành phải chuyển biến mạnh như nông nghiệp phải theo hướng tích tụ ruộng đất, phấn đấu đạt tăng trưởng 3%, xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt 30% GDP. Thu hút vốn FDI có chọn lọc chứ không ồ ạt, không phải thu hút đầu tư bằng mọi giá. Tăng kim ngạch xuất khẩu 10%...
Về dịp Tết này, phải bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu, không để thiếu hàng, sốt giá; tập trung chăm lo Tết cho người dân, nhất là lo cho vùng thiên tai, không để người dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, đứt bữa. Tập trung giải quyết một số vụ việc dư luận xã hội quan tâm.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với một niềm tin vững chắc vào sức mạnh của nhân dân và tinh thần của doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta nhất quyết kiên định mục tiêu tăng trưởng rất cao mà Quốc hội đã đề ra. Rất nhiều ngành, nhiều địa phương đã chủ động, tiên phong thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng:
Điều hành chính sách tiền tệ đã đi đúng hướng
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng |
Tôi bày tỏ sự nhất trí cao đối với Báo cáo kết quả điều hành kinh tế - xã hội năm 2017 của Chính phủ. Theo ý kiến một số lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các bộ ngành tại Hội nghị cũng như các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, các ngân hàng, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế thì năm 2017 Chính phủ rất thành công trong việc vừa thực hiện ổn định kinh tế vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt ở mức cao.
Đặc biệt, Chính phủ rất kiên định trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, tạo sự tin tưởng cho nền kinh tế, cộng đồng các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là tin tưởng vào sự kiên định lập trường chính sách của Chính phủ, kiên định trong việc giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát ở mức thấp để tạo dựng môi trường ổn định cho phát triển kinh tế bền vững cho trung và dài hạn. Đây là điểm sáng quan trọng tạo đà cho phát triển kinh tế, tạo đà cho năm 2017 và các năm tiếp theo.
Trên cơ sở kiên định lập trường chính sách của Chính phủ như vậy, về công tác hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trong năm 2017, NHNN cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khóa để giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát ở mức thấp, đồng thời hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Thứ nhất, như báo cáo của Chính phủ là lạm phát cơ bản năm 2017 chỉ duy trì bình quân 1,41%, chứng tỏ công cụ điều hành CSTT đã đi đúng hướng.
Thứ hai, theo chỉ đạo chung của Chính phủ và Thủ tướng, trong năm vừa qua NHNN đã thực hiện đồng bộ các công cụ điều hành để giảm lãi suất điều hành, qua đó các TCTD trong năm 2017 đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%. Nhiều TCTD áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm; triển khai chương trình cho vay trung, dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ giảm chi phí kinh doanh nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng.
Thứ ba, bên cạnh việc mở rộng tín dụng, hệ thống ngân hàng đã tập trung rất mạnh cho việc đảm bảo an toàn chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng rất thận trọng để tránh những tác động bất lợi đến cân đối vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và giữ được an toàn hoạt động ngân hàng. Đặc biệt, cơ cấu tín dụng đã tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là một số ngành kinh tế trọng điểm như công nghiệp chế biến, chế tạo. Đến cuối năm 2017, dự kiến tăng trên 30%, tín dụng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trên 28%, tín dụng nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng 21%. Tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro đã được kiểm soát rất chặt theo chỉ đạo của Chính phủ và của NHNN.
Thứ tư, về công tác điều hành tỷ giá và điều hành thị trường ngoại hối, đến nay, tổng dự trữ ngoại hối Nhà nước chính thức ở mức xấp xỉ 52 tỷ USD. Như vậy trong năm 2017 chúng ta đã mua vào khoảng 13 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, đây là mức kỷ lục. Công tác điều hành chính sách tỷ giá và thị trường ngoại tệ đã cung ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế, đảm bảo hỗ trợ cho xuất khẩu, kiểm soát được sự ổn định của thị trường ngoại tệ. Đặc biệt, việc tăng dự trữ ngoại hối có ý nghĩa rất lớn trong việc củng cố vị thế, uy tín quốc gia, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam.
Thứ năm, trong năm vừa qua theo chỉ đạo của Chính phủ, toàn hệ thống ngân hàng đã rất chủ động và quyết liệt trong việc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu (XLNX). Theo đó, NHNN đã báo cáo Quốc hội để thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm XLNX, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với XLNX cho đến năm 2020; trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 để thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Việc đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại gắn với XLNX của các TCTD góp phần đảm bảo cho hoạt động của hệ thống ngân hàng an toàn bền vững hơn, góp phần thiết thực vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng.
Thứ sáu, thực hiện chỉ đạo theo Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ thì công tác cải cách hành chính trong toàn hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các TCTD đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới, đơn giản hóa quy trình cho vay, công khai thủ tục vay vốn, cắt giảm các khoản phí, chi phí không cần thiết... Nhờ đó, chỉ số “tiếp cận tín dụng” của Việt Nam đã được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN. Đồng thời, năm thứ hai liên tiếp NHNN giữ vị trí dẫn đầu trong số các bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính.
Niềm tin của xã hội, thị trường và các nhà đầu tư vào sự phát triển kinh tế Việt Nam ngày càng được củng cố |
Những nỗ lực và kết quả tích cực của hoạt động ngân hàng trong năm qua đã góp phần quan trọng vào tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi giúp Chính phủ đạt tất cả các mục tiêu đặt ra, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế - một điểm sáng thành công của Việt Nam trong năm 2017.
Năm 2018 sẽ là năm đặc biệt quan trọng với ngành Ngân hàng khi triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm XLNX và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD. Do vậy NHNN sẽ chỉ đạo và hỗ trợ tối đa cho các TCTD để đẩy nhanh XLNX theo Nghị quyết 42 để tích cực thu hồi nợ và hướng dẫn triển khai quyết liệt việc cơ cấu lại các TCTD theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Thực hiện các giải pháp về nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, chuyển đổi mô hình quản trị, điều hành, tăng cường minh bạch hóa hoạt động của các TCTD phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng. Qua đó đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng tưởng kinh tế mà Chính phủ đã đặt ra.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục điều hành CSTT một cách chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến của thị trường nhằm đảm bảo các cân đối vĩ mô, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đặt ra. Đặc biệt, với việc tăng cường XLNX, cơ cấu lại các TCTD cùng với các chính sách điều hành chủ động và linh hoạt của NHNN, như giãn lộ trình áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn với mức 45% từ 1/1/2018 và mức 40% từ 1/1/2019; đã ban hành Thông tư để tiếp tục cho vay ngoại tệ.
Cùng với điều tiết thanh khoản, NHNN chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, sẽ là cơ sở cho việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Qua đó giúp các DN tiết giảm chi phí hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tốt hơn.
Đồng thời, tiếp tục điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ một cách ổn định; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, tiếp tục chỉ đạo mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả; tập trung tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với ngành, lĩnh vực theo chủ trương của Chính phủ.
Với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ như dự thảo Nghị quyết 01 cũng như sự hỗ trợ, phối hợp của các địa phương thì hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.
Những nỗ lực và kết quả tích cực của hoạt động ngân hàng trong năm qua đã góp phần quan trọng vào tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi giúp Chính phủ đạt tất cả các mục tiêu đặt ra, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế - một điểm sáng thành công của Việt Nam trong năm 2017. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng |