Nỗi lo phân bón giả lộng hành
Ngành phân bón: Lợi thế chia theo vùng miền | |
Tây Nguyên - phân bón giả lộng hành |
Đó là những thông tin được chia sẻ mới đây tại hội thảo Quốc gia lập lại thị trường phân bón Việt Nam do Bộ Công Thương phối hợp với Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức.
Số phân bón giả được cơ quan chức năng đưa đi tiêu hủy |
Vi phạm ngày càng tăng
Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ông Nguyễn Hạc Thúy cho biết, theo điều tra chưa đầy đủ, cả nước có 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng bán ra trên 48 tỉnh thành. Một số trường hợp vi phạm điển hình được dẫn chứng cụ thể như Công ty TNHH Việt Thái (Đồng Nai) đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bì NPK hàm lượng dinh dưỡng 53%, nhưng kết quả kiểm định tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 7,2%.
CTCP Đầu tư khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Pháp Hà Nội phát hiện 600 tấn phân bón NPK, nhiều bao bì giả mạo in tên các công ty phân bón có uy tín như Bình Điền, Phú Mỹ, Lâm Thao, Cà Mau... Nhưng theo kết quả giám định mẫu tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thì thành phần chính trong phân bón NPK tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 1,9%, còn lại là bột đá vôi...
Đặc biệt, Bộ Công an bắt quả tang Công ty Tân Trường Sinh (Hải Dương) sản xuất phân bón giả và ra quyết định khởi tố điều tra hình sự nhưng khi chuyển về công an tỉnh Hải Dương vụ án đã bị cho chìm xuống rồi quên lãng. Hay mới đây, vụ án CTCP Thuận Phong (Đồng Nai), Văn phòng thường trực 389 quốc gia phát hiện đơn vị này sản xuất phân bón giả.
Sau đó, vụ việc cũng đã được các tổ chức liên ngành, các bộ tham gia kiểm tra và đã xác định kết luận phân bón giả. Nhưng thật trớ trêu, hơn một năm vụ việc chưa được Thủ tướng kết luận thì tỉnh Đồng Nai đã làm theo luật riêng, cho dỡ niêm phong và tha bổng hình sự, chỉ xử lý hành chính…
Điều đáng chú ý theo ông Đoàn Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia là trong khi tình trạng phân bón giả không những không được kiểm soát tốt mà ngày càng phát triển tinh vi, phức tạp hơn. Nó phát triển mạnh trong các cơ sở phân bón, trong các đại lý kinh doanh phân bón và trong các phòng kiểm nghiệm, kiểm định.
Tiêu cực còn nảy sinh ngay trong quá trình tác nghiệp ở một số cá nhân, tổ chức cơ quan công an, quản lý thị trường, thanh tra nông nghiệp… đặc biệt hệ thống lợi ích nhóm, bảo kê của các lực lượng thi hành công vụ, tham gia tiếp tay cho gian thương…
Xử phạt như “gãi ghẻ”
Ông Nguyễn Như Cường, Phó Tổng Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết, xác định tầm quan trọng của phân bón cho nền nông nghiệp, Nhà nước đã có nhiều nghị định, thông tư trong lĩnh vực phân bón nhưng tình hình sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn đang gây bức xúc, và gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế nói chung và nông dân nói riêng.
Các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý. Chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ra thì mỗi năm Việt Nam mất đi khoảng 2 tỷ USD.
Mặc dù thiệt hại từ việc làm phân bón giả khá cao nhưng chế tài xử phạt đối với những doanh nghiệp làm giả, làm nhái này lại đang như “gãi ghẻ”.
Theo ông Cường, đối với các quốc gia trên thế giới nếu phát hiện hành vi làm hàng giả, hàng nhái kém chất lượng thì sẽ áp dụng mức xử phạt hình sự. Thế nhưng, tại Việt Nam mức xử phạt mới chỉ dừng lại hành chính. Trong khi đó, lợi nhuận mang lại từ việc sản xuất phân bón lại rất lớn. Chính vì vậy, mới có hiện tượng làm liều.
Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam ông Nguyễn Hạc Thúy kiến nghị, Chính phủ cần tăng mức xử phạt thật nặng đối với cơ sở, cá nhân sản xuất kinh doanh phân bón, các cá nhân, tổ chức, các trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định phân bón vi phạm.
Đặc biệt cần có cơ chế giám sát và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức công an, quản lý thị trường, thanh tra nông nghiệp khi tác nghiệp tham gia lợi ích nhóm, bao che, bảo kê, đồng lõa cho gian thương vi phạm pháp luật về phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Trước mắt, Chính phủ chỉ đạo điều tra và tham gia ý kiến xử lý nghiêm túc, làm gương đối với các vi phạm tại công ty Thuận Phong. Bên cạnh nâng cao chế tài xử phạt hành chính thì chỉ khi đưa ra xét xử một cách công khai, nghiêm khắc đối với các vụ việc vi phạm điển hình mới có thể làm chùn bước các tổ chức, cá nhân có ý định vi phạm.