Nỗi niềm doanh nghiệp
Sản xuất công nghiệp giảm đà tăng trưởng | |
Chật vật vào chuỗi liên kết | |
Xóa cách hành xử “bên trọng, bên khinh” |
Giữa khúc sông Hồng rộng đoạn quá cầu Thanh Trì (Hà Nội), cảnh đôi bờ đẹp như tranh, khu bè cá lăng hơn hai chục ô nuôi dập dềnh trên sóng. Hàng ngày, quãng 8-10 giờ sáng, vài ngư dân ngụ cư gần đó lại chèo thuyền đặt bẫy cá dưới các vuông bè, bắt lũ cá đến ăn ké lạc vào. Nhưng dạo này, đánh bắt khó khăn hơn vì ít cá lai vãng.
Ảnh minh họa |
Từ độ Tết Nguyên đán đến nay, sau vụ đầu tư lớn nhắm vào dịp tiêu thụ lớn trong năm bị thất bát, giá giảm thiệt hàng tỷ đồng so với mức doanh thu năm ngoái, nên chủ DN nuôi cá bè này chểnh mảng chuyện lai vãng. Người làm thuê được chỉ thị cho ăn cầm chừng, cá chết nhiều lúc không buồn dọn… Vài vuông cá hiện đã có thể cho thu hoạch, giá cân tại bè hiện chỉ quanh mức 50-70 nghìn đồng/kg, lợi nhuận thấp khiến chủ bè như “ngồi trên đống lửa”.
Nợ ngân hàng dù đã trả qua vài vụ cá, nhưng vẫn còn dày. Kinh doanh nhìn tới không mấy sáng sủa. Trong khi đó, nhiều bè cá bên kia sông cũng mới đi vào hoạt động, lại thêm sự cạnh tranh. Chủ bè đang tính chuyện làm nhà hàng trên sông, nhưng e đường đi lại khó khăn và địa điểm cũng khá khuất nẻo. Dự định kéo người câu đến cũng không thành, bởi câu sông khó quản mà ít hiệu quả…
Kéo dài nhiều năm nay, tình trạng khó khăn liên tiếp dội vào DN và người kinh doanh, rất khó để giải thích khi mà các chỉ báo kinh tế cho rằng tăng trưởng vẫn trên đà cải thiện, tiêu dùng khởi sắc... Đặt trường hợp ở bè cá lăng nói trên, khi sản phẩm làm ra nhắm thẳng vào đối tượng có thu nhập trung bình khá trở lên, nhưng kinh doanh vẫn đầy rủi ro và bất trắc.
Cho đến tận gần đây, các báo cáo kinh tế luôn nhấn mạnh khía cạnh ổn định và tăng trưởng, dẫn chứng bởi số lượng DN thành lập mới và vốn đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, việc hàng trăm nghìn cơ sở sản xuất phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản suốt nhiều năm qua không được phân tích và nhìn nhận một cách thấu đáo.
Trên thực tế, phân tích tình hình DN nhiều năm nay cho thấy, số lượng các đơn vị kinh doanh thành lập mới so với đối tượng giải thể, phá sản, ngừng hoạt động luôn bám đuổi khá sát. Tương tự là cách nhìn nhận tiêu cực và tích cực về triển vọng kinh doanh, về sản lượng sản xuất, đơn hàng xuất khẩu, giá bán sản phẩm, điều chỉnh lao động… cũng rất ít cách biệt.
Các khảo sát gần đây cho thấy, còn rất nhiều rào cản và thách thức với DN khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, trong đó bên cạnh phiền hà về thủ tục hành chính thì gánh nặng chi phí cũng rất lớn. Chẳng hạn như năm 2015 vừa qua, trong khi nền kinh tế mới chỉ tạo ra giá trị tổng sản phẩm ước gần 4,2 triệu tỷ đồng, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, thì thu ngân sách được Bộ Tài chính công bố tính đến 28/12/2015, đạt gần 957 nghìn tỷ đồng, tức tương đương 22,8% GDP.
Nói cách khác, ngân sách đã “ăn vào” gần 1/4 giá trị sản phẩm, dịch vụ mà nền kinh tế làm ra, phần mà người mua cuối cùng phải chịu nhưng đồng thời DN cũng vì thế mà yếm thế trong cạnh tranh. Còn nếu tính cả chi phí không chính thức mà các đơn vị kinh doanh phải chịu, nếu tính các chi phí khác về trách nhiệm xã hội hay trả lãi tiền vay… thì có lẽ rất khó để DN có thể sinh lời đủ để thiết kế một chiến lược tái đầu tư hiệu quả.
Đó có lẽ cũng là lý do mà năng suất thấp và thách thức cải tiến công nghệ đang đặt ra rất gay gắt trong bối cảnh hội nhập hiện nay, khi nền kinh tế đối mặt với nhiều đối tác đã phát triển, đang và sẽ là đối thủ trực diện.
“Có lẽ phải tìm hướng kinh doanh khác”, chủ bè cá ở đầu câu chuyện than thở. Nhưng kinh doanh thế nào trong một nền kinh tế mà rất nhiều DN “chết đi sống lại”, sự cạnh tranh ngày càng lên đến đỉnh điểm đến nỗi mà chỉ một mô hình kinh doanh mới dựng lên là ngay lập tức có cơ sở khác làm ăn y hệt “sát cánh”…