Xóa cách hành xử “bên trọng, bên khinh”
Quy tắc xuất xứ và nước cờ hội nhập TPP | |
Doanh nghiệp Việt: Tận dụng cơ hội như thế nào từ hội nhập? | |
Phải giải được bài toán “lan tỏa” trong thu hút FDI |
Tuần rồi, một diễn đàn về kinh tế - nơi hội tụ của nhiều chuyên gia hàng đầu, các quan chức và CEO DN lớn - được tổ chức, ghi nhận nhiều cảm xúc dâng trào sau những dồn nén. Doanh nhân nội “chỉ trích” các DN nước ngoài không để cửa cho các cơ xưởng sản xuất trong nước “ké cẩm” vào chuỗi giá trị toàn cầu của họ. Ngược lại, các doanh nhân ngoại cố gắng giải thích họ đầu tư vào Việt Nam không phải vì chi phí lao động thấp, và cũng đang rất nỗ lực mà chưa thể mở được cánh cửa hợp tác…
Cái DN cần là cơ chế mới, động lực mới để phát triển, kết đoàn lại tạo thành sức mạnh |
Bên trọng, bên... “khinh”
Giữa lúc hai dòng quan điểm trái chiều trên tiếp tục khó đồng thuận, đáng chú ý là ý kiến của một số chuyên gia từng là thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mới tuyên bố giải tán ít ngày trước.
“DN Việt Nam yếu, không liên kết được với DN nước ngoài, dẫn tới nguy cơ tồn tại hai nền kinh tế của một quốc gia là FDI và khu vực trong nước”, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu vấn đề.
Thực tế cũng ghi nhận, DN Việt Nam đang chia thành 2 khối khác biệt, một bên là các DN trong nước đa số còi cọc và bị cô lập, bên còn lại là các DN FDI rất phấn khích với triển vọng kinh doanh, đặc biệt là trước tương lai sáng sủa theo sau tiến trình hội nhập đang ngày càng lan rộng. Theo khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 công bố mới đây, tâm lý của các DN FDI khá lạc quan. Trong đó, số DN cho biết đã tăng đầu tư hoạt động, tuyển thêm lao động mới được ghi nhận tăng cao nhất so với 5 năm qua.
Ngược lại, cũng theo PCI 2015, các DN dân doanh trong nước phần lớn vẫn quẩn quanh ở thị trường nội địa. Ngay cả với DN lớn trong nước, việc vươn được ra thị trường nước ngoài vẫn ở một tỷ lệ rất khiêm tốn. “Kết quả này góp phần lý giải cho tỷ trọng 70,7% của khối DN FDI trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2015”, PCI 2015 nhìn nhận.
Các thống kê cũng cho thấy khối DN nước ngoài đang hoạt động hiệu quả, trong khi DN trong nước vẫn “đì đẹt” trước đầy rẫy thách thức. Kết quả là, quy mô và sự lấn lướt của khối DN ngoại đang ngày càng gia tăng. Hiện mỗi năm khu vực này đóng góp khoảng 22-25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tức chưa tới 10% GDP, nhưng tạo ra giá trị sản phẩm chiếm khoảng 20% GDP, gần 40% giá trị công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu thì còn lớn hơn nữa.
Ông Tuyển nêu nguyên nhân: Văn kiện Đại hội Đảng XII coi DN tư nhân là động lực phát triển, nhưng hiện nay thứ tự ưu tiên lại ngược lại, FDI rồi đến DNNN và cuối cùng là DN tư nhân. Ý kiến này của ông Tuyển rất dễ để chứng minh. Mặc dù có vai trò lớn trong nền kinh tế, mà các con số thống kê nêu trên là ví dụ, nhưng đóng góp vào ngân sách của khu vực FDI chỉ tương đương 14-15% là quá thấp so với các khu vực DN khác.
“Phải thay đổi”, ông Tuyển khuyến nghị. Muốn thế, DN tư nhân phải tăng được tính cạnh tranh. Nhưng trước đó, phải cải thiện được thể chế. Bởi DN luôn hoạt động trong khuôn khổ thể chế, như chúng ta vẫn nói “thể chế nào DN đó”.
Thách thức rất lớn
Không chỉ là con số tạm thời về tăng trưởng giảm tốc và xuất khẩu chậm tăng, những thách thức tưởng chừng khó vượt qua của tiến trình hội nhập, hòa chung với nhiều rào cản hành chính trong nước đang đi vào cảm nhận của nhiều DN tư nhân, dựng lên bức màn đen tối ngay trước mắt họ. “DN giờ đây dường như đang thiếu niềm tin và nhiệt huyết”, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen bình luận.
Thách thức - theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đồng thời cũng là một thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - thực sự là rất lớn. “Có nhiều điểm không thể yên tâm, cả vấn đề cơ bản và vấn đề cấp bách”, ông nói.
Nền kinh tế Việt Nam dưới phân tích của vị chuyên gia này, được đặt trong bối cảnh hội nhập, phải đối mặt với hai nhiệm vụ rất lớn: vừa phải đưa kinh tế về trạng thái bình thường, sau một thời gian tăng trưởng nóng với nhiều rủi ro vĩ mô; vừa phải nhập cuộc một sân chơi mới đầy thách thức.
Ở sân chơi đó, hàng rào phi thuế quan có thể tăng lên “hàng trăm lần”, đòi hỏi hệ thống sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao. Trong khi đó cấu trúc DN Việt Nam lại kém cạnh tranh vì quy mô nhỏ, nền tảng yếu, thích đầu cơ và sống theo tinh thần xin - cho…
Một điểm đáng lưu ý khác, theo ông Thiên, còn đến từ cuộc “lột xác” hiện nay của kinh tế Trung Quốc. Khi quốc gia láng giềng này đang phát triển nền kinh tế hướng nội hơn, nâng cao chất lượng công nghệ… thì thách thức đối với DN Việt Nam không chỉ là cạnh tranh với hàng Trung Quốc mà còn là sự phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào sản xuất cũng sẽ thay đổi, đem đến những khó khăn lớn hơn nữa.
Nhìn lại tình hình hiện nay, ông Thiên đặt vấn đề: Tại sao cơ hội luôn được tạo ra, lợi ích được cho là rất lớn nhưng lại không thể chuyển thành lợi thế để phát triển? “Có lẽ, chúng ta đã kể nhiều quá về cơ hội và lợi ích, mà không biến nó thành áp lực đến bộ máy làm chính sách để giúp DN tận dụng được cơ hội đem lại từ hội nhập”, và ông Thiên cũng quay trở lại với thách thức từ thể chế.
Ở góc nhìn thực tế của DN, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) khẳng định: Thay đổi đã tạo ra là chưa đủ. Không phải chỉ là giảm số giờ mà phải thay đổi thái độ hành chính, từ hành chính quản lý sang hành chính phục vụ. “Cái DN cần là cơ chế mới, động lực mới để phát triển, kết đoàn lại tạo thành sức mạnh”, ông nói thêm.
“Phải thay đổi thể chế kinh tế”, ông Tuyển nhấn mạnh lần nữa giải pháp để xóa bỏ hành xử kiểu “bên trọng bên khinh” giữa các loại hình DN. Ở điểm này, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch chia sẻ thêm: “Tôi tin rằng năm 2016 sẽ ban hành những đạo luật hỗ trợ DNNVV”.